Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kết tội oan ông, trong đó có trách nhiệm của cơ quan kiểm sát và của cá nhân tôi. Vì vậy bản thân tôi thấy có lỗi với ông và muốn làm gì đấy để chuộc lỗi. Đó là lý do thôi thúc tôi viết nên cuốn sách này” - TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, tác giả cuốn sách “Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời”, chia sẻ sáng 21-3 trong buổi giới thiệu cuốn sách này. (Sách do NXB Hội Nhà văn xuất bản, gồm 14 chương.)
Ông Biểu chia sẻ thêm: Câu chuyện có thật trong cuốn sách này còn là bài học xương máu trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nếu cơ quan tố tụng tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc suy đoán vô tội thì sẽ giảm thiểu việc kết án oan người vô tội.
Bình luận về cuốn sách, Trung tướng-GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an), nói: “Có lẽ điều lắng đọng nhất của cuốn sách là hoạt động của người cán bộ bảo vệ pháp luật phải luôn luôn vì công lý, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm nhưng đồng thời không được làm oan người vô tội”.
Theo GS Yêm, những tâm sự của TS Biểu rất đáng để suy nghĩ về những bài học tư pháp. Đó là việc ông Đề bị nghi ngờ rồi bị bắt giam ngay với định kiến ông là người có tội. Vì vậy quá trình điều tra, truy tố chỉ tập trung vào thu thập chứng cứ buộc tội, thậm chí là mớm cung, bức cung để buộc tội cho bằng được, còn những chứng cứ gỡ tội lại không được chú ý.
Tại buổi giới thiệu cuốn sách, nhà văn-nhà báo Nguyễn Uyển đề xuất UBND TP Hà Nội nên nghiên cứu đặt tên Tạ Đình Đề cho một đường phố. Đây cũng là cách để tỏ lòng tôn kính ông Đề - người có công nhưng lại bị kết án oan.
T.HẰNG