Ẩn số Nga trong căng thẳng Triều Tiên

Tình hình đang ngày một căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa vào ngày 16-4. Washington đe dọa tấn công phủ đầu nếu thấy bị đe dọa. Bắc Kinh cảnh báo về một cuộc xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên bán đảo. Trong bối cảnh đó, Nga nổi lên như một ẩn số thú vị được cả Trung Quốc và Triều Tiên tìm đến những ngày qua.

Nga liên tục xuất hiện

Ngay sau khi xuất hiện thông tin các tàu chiến Mỹ đã vào vị trí sẵn sàng tấn công phủ đầu Triều Tiên, theo đăng tải ngày 14-4 của hãng tin NBC News, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng ngày đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị cho biết mục tiêu chung của hai quốc gia Trung Quốc và Nga là “đưa tất cả các bên trở lại bàn đàm phán”. Ông cũng khẳng định “sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Nga để giúp xoa dịu tình hình một cách nhanh chóng nhất có thể trên bán đảo Triều Tiên”.

Một ngày sau vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, vai trò của Nga trong vấn đề Triêu Tiên một lần nữa được nhắc đến. Trong chuyến làm việc tại Moscow ngày 16-4, ông Kim Yong-ho, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, khẳng định muốn thắt chặt quan hệ Bình Nhưỡng - Moscow, đang “đồng cảnh ngộ” bị Mỹ và các nước phương Tây áp đặt trừng phạt, theo Sputnik News.

Đến ngày 17-4, báo chí Nhật Bản cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ khi tiến về bán đảo Triều Tiên đã bị tàu do thám của Trung Quốc và Nga bám đuôi. Hãng tin Sputnik News nhận định đây có thể là thông điệp Nga đã theo dõi rất sát tình hình.

Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có quyết định can dự sâu hơn vào vấn đề căng thẳng bán đảo Triều Tiên? Ảnh: AFP

Liệu có nhập cuộc

Việc Nga quan tâm đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng không phải là mới lạ. Chương trình đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng từng có Nga tham gia, cùng với các nước Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua cũng không lọt khỏi “tầm radar” của Moscow. Việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc cũng đã bị Nga lên tiếng chỉ trích từ ngày 13-1. Theo lời Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin, THAAD là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ đang bao vây biên giới của Nga và là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Điều đó cho thấy Nga không hoàn toàn dửng dưng trước các diễn biến của khu vực.

Tuy nhiên, liệu Nga có quyết định tham gia các diễn biến tại bán đảo Triều Tiên hay không và sẽ nhập cuộc như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn. Một mặt, Nga không thể chấp nhận căng thẳng an ninh liên Triều đe dọa khu vực Viễn Đông đang được tái đầu tư cả về kinh tế lẫn quân sự. Moscow cũng nắm trong tay đòn bẩy hợp tác kinh tế để mặc cả với Bình Nhưỡng, đặc biệt khi Bắc Kinh đang buộc phải thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt kinh tế với Triều Tiên. Mặt khác, quan hệ Nga-Mỹ hiện đang căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump cho dội tên lửa vào căn cứ không quân Syria và nhất quyết đòi Tổng thống Vladimir Putin ngưng ủng hộ đồng minh Bashar al-Assad. Những yếu tố này khiến Nga trở thành một ẩn số khó đoán trong thế cờ căng thẳng Triều Tiên hiện nay.

Nga có tham vọng trở thành cường quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt ở bán đảo Triều Tiên. Việc Nga trì hoãn bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 3-2016 và tháng 11-2016 cho thấy Moscow thực sự không hài lòng khi bị loại khỏi việc ra quyết định trong khu vực. Nếu Nga chứng minh được là một nhà hòa giải hiệu quả trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Vladimir Putin có thể khẳng định vị thế của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều năm sắp tới, theo The Diplomat.

_____________________________

“Triều Tiên sẽ không giải trừ hạt nhân. Mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga có thể là yếu tố tích cực đối với Triều Tiên khi trở lại bàn đàm phán sáu bên. Nhưng Bình Nhưỡng nhất định sẽ cố gắng sử dụng mối quan hệ này để nâng cao vị thế trước mặt không chỉ Mỹ, Nhật Bản mà còn Trung Quốc” - Narushige Michishita, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm