Án tham nhũng xử treo quá nhiều: Tòa cố tình hiểu sai luật?

Nằm trong chương trình giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng, ngày 29-8, Ủy ban Tư pháp QH đã có buổi làm việc với đại diện các cơ quan pháp luật trung ương, gồm Thanh tra CP, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, so với cuộc giám sát năm 2008 của Ủy ban Thường vụ QH khóa trước, các vấn đề rút ra từ lần giám sát này vẫn như vậy.

Nhầm lẫn thật hay là quan điểm thật?

Cũng theo bà Nga, đọc từ báo cáo của các cơ quan tố tụng còn thấy những nội dung rất sai luật. Chẳng hạn, báo cáo của VKSND Tối cao giải thích các bị can được đình chỉ điều tra theo Điều 25 của BLHS là do thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật, tự giác khắc phục hậu quả, có thân nhân tốt… “Căn cứ theo Điều 25 là có chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc người phạm tội tự thú trước khi bị phát giác cơ mà. Không hiểu báo cáo nhầm hay VKS vẫn áp dụng luật sai như thế?” - bà Nga chất vấn.

Án tham nhũng xử treo quá nhiều: Tòa cố tình hiểu sai luật? ảnh 1

Người dân đang theo dõi một phiên xử về tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Bà Nga kể câu chuyện vừa rồi đoàn giám sát xuống một địa phương, được thanh tra tỉnh báo cáo đóng mộc đỏ chót, cho rằng với tham nhũng, trước hết phải thu hồi tài sản, sau là xử lý hành chính. Đoàn mới hỏi lại có thực đó là quan điểm của địa phương không thì họ giật mình xin lỗi, bảo nhầm lẫn. “Tôi không rõ đây là nhầm lẫn thật hay quan điểm thật!” - bà Nga bình luận.

Luật không bắt buộc phải xử treo

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, cho biết vừa đi giám sát một số địa phương, thấy có tỉnh như Ninh Bình, hai năm xử được chín bị cáo về tội tham nhũng thì tám được hưởng án treo. Trong số án treo này, có trường hợp hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Thế nhưng tòa án vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, kéo mức án tuyên thấp dưới khung hình phạt, làm cơ sở để cho án treo. “Tôi thấy rất bất thường, không biết cơ quan tố tụng trung ương có biết không, có giám đốc kiểm tra không?” - ông Cường hỏi.

Cũng về vấn nạn án treo đã nhiều năm được báo động, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đình Quyền cho rằng tòa án các cấp đang cố tình hiểu sai, áp dụng có lợi cho tội phạm tham nhũng. “Báo cáo của TAND Tối cao khẳng định các bản án treo đều đúng luật cả. Xin thưa, luật có bắt buộc tòa phải xử treo đâu. Luật yêu cầu phải cân nhắc nhiệm vụ chính trị địa phương, yêu cầu về phòng, chống tội phạm cơ mà. Nhiệm vụ ấy là gì? Cả nước phải coi tham nhũng như giặc nội xâm cơ mà!” - ông Quyền bức xúc.

Khó khăn bủa vây người tố cáo

Bà Nga cho hay từ giám sát cơ sở, có lãnh đạo thanh tra cho rằng người tố cáo tham nhũng phải có nghĩa vụ chứng minh, cung cấp chứng cứ. Cách hiểu ấy hoàn toàn sai, bởi luật chỉ yêu cầu người tố cáo “trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”, chứ đâu bắt nghĩa vụ chứng minh…

Giải trình về vấn đề bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, Phó tổng Thanh tra CP Ngô Văn Khánh dẫn ra một số văn bản, quy định đã được CP và Thanh tra CP ban hành. Bà Nga ngắt lời: “Vâng, chúng tôi biết là ban hành nhiều văn bản rồi. Nhưng cụ thể với mấy trường hợp mà báo vừa nêu, đã có hành động cụ thể gì chưa?”.

Bà Nga dẫn lại ba vụ việc gần đây nhất mà báo chí đăng tải: Vụ nhân bản phiếu xét nghiệm ở BV Hoài Đức, Hà Nội, được biểu dương, khen thưởng mà người tố cáo ngập trong nước mắt. Chưa kể, có người vẫn bị khởi tố dù đã tham gia tố cáo lập công (sau đó rút đơn tố cáo vì nhiều lý do). Rồi ở Bình Phước, một dược sĩ vừa được biểu dương vì có công tố cáo tiêu cực thì bị chính cấp trên có sai phạm đuổi việc. Và một nữ hộ sinh ở Quảng Nam tố cáo sai phạm 150 triệu đồng khiến lãnh đạo mất chức nhưng bị trả đũa, đuổi việc với lý do “gây mất đoàn kết cơ quan”.

Đại diện Thanh tra CP đã không thể trả lời được vấn đề cụ thể mà bà Nga nêu.

Cần truy cứu tội làm giàu bất hợp pháp

Đó là đề xuất của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Công Hồng tại diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật hình sự do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) và Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 29-8.

Theo đó, việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà không giải thích hợp lý được về nguồn gốc thì công chức ấy sẽ bị coi là phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. “Hiện BLHS chưa có quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp là tội phạm. Nhưng Việt Nam đã tham gia Công ước LHQ về chống tham nhũng và Điều 20 Công ước đã quy định vấn đề hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, nên trong tương lai rất cần sớm nội luật hóa tinh thần này khi sửa đổi, bổ sung BLHS” - ông Hồng nói.

Ông Hồng cho rằng xem hành vi làm giàu bất hợp pháp là tội phạm sẽ là bước đột phá trong phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, muốn buộc tội hành vi “làm giàu bất hợp pháp” đòi hỏi phải có những sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS về trách nhiệm chứng minh tội phạm. Cụ thể, phải bổ sung thêm các quy định yêu cầu người có hành vi phạm tội phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản bị quy kết là do phạm tội mà có, quy định áp dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt đối với hành vi tham nhũng như giám sát điện tử, hoạt động chìm và các hình thức giám sát khác…

BÌNH MINH

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm