Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2010 đến tháng 6-2015, toàn quốc xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại bếp ăn tập thể trong KCN/KCX khiến hơn 6.000 người phải nhập viện; trung bình mỗi năm có khoảng 14 vụ ngộ độc với hơn 1.000 người nhập viện, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số vụ NĐTP tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ, chiếm hơn 42% tổng số vụ do khu vực này tập trung nhiều KCN/KCX.
Những năm gần đây, dù số vụ NĐTP không tăng nhưng số người mắc có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do một số cơ sở sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền địa phương và ngành liên quan chưa cao. Mặt khác, hiện nay nhiều địa phương quy định việc kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp trong KCN/KCX phải thông báo trước 7-10 ngày, do đó việc kiểm tra mang tính đột xuất chưa thể thực hiện được.
Để hạn chế NĐTP, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng nên quy định về khẩu phần dinh dưỡng bữa ăn. “Thực tế bữa ăn của người lao động trong các KCN/KCX hiện nay chỉ đáp ứng trên dưới 80% về mặt dinh dưỡng, riêng về độ an toàn thì còn phải bàn cãi nhiều” - ông Phong nói.
Ngoài ra, ông Phong cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể tại KCN/KCX; đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các cơ sở nấu ăn vi phạm.
- Cùng ngày, Viện Pasteur TP.HCM (Bộ Y tế) phối hợp Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo “Chủ động giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm và NĐTP”. BS Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra một vụ NĐTP tại một doanh nghiệp. Tuy nhiên, do Đồng Nai hiện có 39 KCN với khoảng 850.000 công nhân nên nguy cơ NĐTP tại các doanh nghiệp luôn chực chờ.
Theo BS Hải, khảo sát cho thấy mỗi suất ăn của công nhân trong các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dao động từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng. Do tiền ăn thấp nên nơi tổ chức nấu ăn mua thực phẩm rẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Đồng Nai cũng như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM có nhiều KCN/KCX. Do đó các địa phương này cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các KCN, doanh nghiệp và y tế địa phương để chủ động giám sát NĐTP. Có như thế mới hạn chế NĐTP xảy ra” - BS Lê Hoàng San, nguyên Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đề xuất.