Án treo với tội phạm tham nhũng - Bài 2: “Siết” án treo ra sao?

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận dù “vận dụng luật là đúng” nhưng nếu xử treo quá nhiều thì cũng “tạo ra phản cảm”, “tạo ra suy nghĩ là chúng ta khi đấu tranh đã không quyết tâm chống tham nhũng”. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết “qua kiểm tra thấy hầu hết số lượng bị can được tòa áp dụng án treo đều có căn cứ, đúng pháp luật” nhưng cũng nhìn nhận “không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng”.

Tỉ lệ cho treo giảm

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sáng 11-9 vừa qua, TAND Tối cao báo cáo các trường hợp phạm tội về tham nhũng được tòa cho hưởng án treo có xu hướng giảm dần (chỉ còn 28% trong sáu tháng đầu năm 2013).

Đánh giá về những hạn chế, thiếu sót của công tác xét xử các tội phạm về tham nhũng, báo cáo của ngành tòa án thừa nhận trong một số trường hợp, việc quyết định cho bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo “thiếu tính thuyết phục”.

Ông Nguyễn Bá Thanh (Phó thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính trung ương) nói sẽ làm rõ việc áp dụng cho hưởng án treo trong đợt kiểm tra lần này. Ảnh: N.Anh

Theo TAND Tối cao, nguyên nhân là do “hội đồng xét xử mới chỉ xem xét tính chất pháp lý đơn thuần của vụ án mà chưa xem xét đầy đủ yêu cầu đấu tranh đối với các loại tội phạm này trong tình hình hiện nay, cũng như sự ảnh hưởng của việc giải quyết vụ án đối với tình hình chính trị xã hội của địa phương nên ra các phán quyết chưa thực sự thuyết phục; đôi khi còn nặng về nhân thân, cho rằng nhân thân tốt để cho hưởng án treo trong khi các bị cáo phạm tội tham nhũng thường là những người có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có những cống hiến nhất định hoặc phạm tội lần đầu”…

Các giải pháp

Để “siết” lại án treo với tội phạm tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra giải pháp của ngành kiểm sát như sau: Ngành kiểm sát sẽ kiểm sát chặt chẽ quá trình xây dựng các cáo trạng có đề xuất án treo. Với vụ án tham nhũng mà cấp dưới đề xuất án treo thì phải trình lên cấp trên để kiểm tra. Trong trường hợp tòa tuyên án treo không phải là đề nghị của ngành thì đại diện VKS phải báo cáo cấp trên để xem xét kháng nghị. Trong đề xuất của VKS đối với người phạm tội về tham nhũng thì không áp dụng hai tình tiết phạm tội lần đầu và có nhân thân tốt…

Về giải pháp liên ngành, ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Chúng tôi cũng đang tập hợp tình hình, có đánh giá và sẽ tổ chức một hội nghị bàn với cơ quan điều tra, tòa về những biện pháp để giảm án treo trong án tham nhũng”.

Trong khi đó, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết ngành tòa án sẽ xem xét hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn về chế định án treo, nhất là hạn chế việc áp dụng chế định này đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Ngoài quy định tại Điều 60 BLHS và bốn điều kiện cho hưởng án treo theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì theo tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng, đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ không được hưởng án treo; người phạm tội tham nhũng không chủ động khai báo, không tích cực hạn chế thiệt hại, không tự giác nộp lại tài sản… cũng không được hưởng án treo…

Sau khi làm việc với TAND Tối cao, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thấy một số vấn đề cần khắc phục ngay, trong đó có việc tỉ lệ án treo dành cho tội phạm tham nhũng quá cao, gây hoài nghi trong xã hội. “Hôm trước họp Ban Chỉ đạo có yêu cầu siết lại án treo. Luật quy định như vậy nhưng áp dụng cụ thể thì lúc nào cho hưởng án treo, lúc nào không. Đợt kiểm tra lần này, chúng tôi sẽ làm rõ” - ông Nguyễn Bá Thanh (Phó Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương), nói.

Một số nhiệm vụ Quốc hội yêu cầu

… Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án còn có những hạn chế. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, trên một số lĩnh vực có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiệu lực răn đe, phòng ngừa thấp. Tiến độ và chất lượng giải quyết nhiều vụ án nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm còn kéo dài, chưa nghiêm minh…

… TAND Tối cao chỉ đạo các tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa; bảo đảm việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật... Việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định của pháp luật…

Trích Nghị quyết số 37 ngày 23-11-2012 của Quốc hội (về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013)

PHAN THƯƠNG

Kỳ tới: Dự thảo hướng dẫn mới về án treo: Vẫn bỏ lửng tham nhũng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới