Clip anh em ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá trở về. Hải Phong thực hiện
Sáng 28-8, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp Bộ Công an, TAND Tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ... đã tổ chức họp báo quốc tế công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết có tổng số hơn 18.500 phạm nhân, số năm được hưởng đặc xá là hơn 31.000 năm. Tính trung bình, mỗi phạm nhân sẽ được hưởng khoảng một năm tám tháng. Theo ông Vương, đây là đợt đặc xá cao thứ hai, đứng sau năm 2009 (có hai đợt đặc xá với tổng số hơn 20.500 phạm nhân).
Ông Giang Sơn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước khẳng định quá trình xét, quyết định đặc xá được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác, không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định được xem xét đặc xá. Cũng theo ông Sơn, mặc dù được đặc xá nhưng các hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhận chức vụ, cấm cư trú, quản chế, phạt tiền... vẫn phải chấp hành đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Thương - vợ ông Vươn (bìa trái) và bà Phạm Thị Hiền - vợ ông Quý vỡ òa trong niềm vui và xúc động khi nghe tin chính thức chồng mình được đặc xá. Ảnh: ĐẶNG TUYỀN
Thông tin với báo chí về trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý, Thượng tướng Vương xác nhận cả hai đều đủ điều kiện và nằm trong danh sách phạm nhân được đặc xá đợt này.
Trao đổi với chúng tôi chiều cùng ngày, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, giám thị trại giam Hoàng Tiến, nơi hai ông Vươn và Quý đang thụ án, cho biết: “Nhanh nhất sáng 29-8 quyết định đặc xá sẽ được chuyển về các trại giam”.
Thông tin chính thức này ngay lập tức đã được gia đình ông Vươn và ông Quý đón nhận trong niềm vui vỡ òa, vì suốt mấy ngày qua gia đình đang rất hồi hộp, lo lắng, khi chưa thấy thông báo đặc xá từ cơ quan chức năng gửi về. “Gia đình trông đợi từng ngày nhận quyết định đặc xá của anh Vươn và anh Quý. Phải nói là chúng tôi đang nín thở đợi tin từ các phương tiện truyền thông và từ chính quyền địa phương suốt mấy hôm nay” - bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) nói trong xúc động: “Anh Vươn và chú Quý về sẽ đỡ đần cho chị em chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi sẽ về với đúng chức năng, nhiệm vụ của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái”. Bà Hiền chia sẻ thêm: “Thời gian hai anh không có nhà, chúng tôi phải thay các anh gánh vác mọi việc, vì thế cũng trưởng thành hơn về kinh nghiệm sống và bao quản công việc. Đợt này chúng tôi có thể hỗ trợ được cho các anh trong công việc làm ăn”.
Bà Hiền và bà Thương đều mong muốn sẽ được đến tận trại giam Hoàng Tiến để đón chồng và sẽ mời hàng xóm qua chung vui với gia đình trong ngày đoàn viên tới đây. “Nguyện vọng của gia đình là được sống và làm việc yên ổn trên mảnh đất quê hương. Con cái chúng tôi cùng chúng tôi sẽ làm kinh tế thật tốt. Cũng chỉ mong mọi việc được như vậy” - bà Hiền chia sẻ.
Tỉ lệ tái phạm sau đặc xá có chiều hướng giảm Trong số hơn 18.000 phạm nhân được đặc xá, không có trường hợp nào phạm tội an ninh quốc gia. Trong số này có hơn 1.400 người phạm tội về ma túy, hơn 2.100 người phạm tội giết người, hơn 1.300 người phạm tội hiếp dâm, hơn 2.600 người cướp giật, hơn 500 người trộm cắp tài sản, hơn 500 người xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, hơn 300 người phạm tội về chức vụ, còn lại hơn 9.000 người phạm tội khác trong BLHS. Tính theo giới tính, có hơn 16.000 phạm nhân nam, hơn 2.000 phạm nhân nữ. Tính theo độ tuổi, người già nhất 85 tuổi, phạm tội hiếp dâm; trẻ nhất là 15 tuổi, phạm tội cướp giật tài sản gây hậu quả nghiêm trọng. Trong năm 2014 và 2015, các phạm nhân đã nộp tổng cộng 256 tỉ đồng khắc phục hậu quả, trong đó có gần 64 tỉ đồng do các phạm nhân được đặc xá đợt này. Người nộp nhiều nhất là hơn 17 tỉ đồng, ít nhất là 50.000 đồng. Trả lời về vấn đề công ăn việc làm cho các phạm nhân sau khi được đặc xá, Thượng tướng Vương khẳng định trách nhiệm của Bộ Công an là đảm bảo công tác phòng, chống tội phạm, khi được tư vấn cho HĐXX, Bộ đã khảo sát rất kỹ. Cụ thể, qua khảo sát 10 năm, có trên 82% tỉ lệ người chấp hành sau phạt tù được bố trí công ăn việc làm với thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Tỉ lệ tái phạm tội trung bình từ năm 2002 đến 2012 khoảng 3,02%, tuy nhiên tỉ lệ này đang giảm theo chiều hướng dưới 1%. Điển hình năm 2013, có hơn 15.000 phạm nhân được đặc xá nhưng chỉ có 114 người tái phạm, chiếm 0,73%. TUYẾN PHAN |