Buổi sáng cuối tuần vừa qua, anh Hồ Thanh Sơn (ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) chạy chiếc xe ben tới phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương để chở vật liệu xây dựng. Chở được vài cuốc thì chiếc xe trở chứng. Anh Sơn lái thẳng xe đến nhà 33/1B khu phố Phú Hội, nơi có người đàn ông nằm trên chiếc giường xếp ngay trước cửa. Anh Sơn nói: “Xe tui bị hư rồi, ông ơi. Ông sửa giùm tôi”.
Đôi tay tài hoa
Người đàn ông nhỏ thó, nằm liệt trên giường nhưng có đôi tay linh hoạt. Anh dùng đôi tay nâng người dậy, mò tìm đồ nghề sửa xe trong các hộp dụng cụ để dưới gầm giường. Những dụng cụ cần thiết để sửa xe anh bỏ sang một bên, rồi nói với anh Sơn: “Ông bế tui vô gầm xe, rồi chuyển mấy cái này vô cho tui”. Anh Sơn hỏi lại: “Sao biết nó hư gì mà lượm ra nhiêu đây?”. Anh thợ liệt sửa xe cười trả lời: “Khi xe ông chạy vô đây, nghe tiếng xe thôi là tôi biết nó hư cái gì rồi”.
Anh thợ sửa xe tên là Nguyễn Văn Thông, sinh năm 1973. Anh Sơn loay hoay bế anh Thông đưa vào gầm sửa xe, chuyển đồ nghề vào gầm xe và ngồi bên ngoài chăm chú theo dõi. Anh Thông xem xét giàn máy cẩn thận rồi bắt vặn lại các con bu-lông. Anh nói: “Xe ông chở nặng quá, đường xóc nữa nên mấy con bu-lông nó lỏng ra. Nếu bữa sau xe bị vậy mà không ở gần nhà tui thì ông có thể tự siết lại như vậy nè”. Anh nhiệt tình chỉ cho chủ xe cách sửa mà không giấu nghề. Sau 40 phút, anh Thông sửa xong. Anh Sơn lái xe đi êm ru, ngon lành.
Bà con gần nhà anh Thông cũng rất khen ngợi tay nghề. Ở địa bàn có nhiều người dùng ghe, xà lan chở hàng hóa qua lại trước nhà anh Thông. Mỗi khi ghe thuyền, xà lan gặp trục trặc, họ chạy lại nhà anh Thông, bế anh xuống để anh sửa máy. Không có loại máy móc nào làm khó được anh.
Anh Nguyễn Văn Thông sửa xe ben cho anh Hồ Thanh Sơn cuối tuần vừa qua. Ảnh: H.MINH
Đã từng gánh vác gia đình
Quê gốc của anh Thông ở Tiền Giang. Thời thiếu niên anh đã mê máy móc cơ khí rồi xin cha cho đi học trung cấp ngành cơ khí. Sau đó anh rời quê lên TP.HCM tìm đường lập nghiệp. Sau nhiều công việc lông bông vất vả, anh được nhận vào thực tập nghề trong một xưởng cơ khí. Anh học hỏi rất nhanh và làm việc giỏi nên lương và thưởng đều khá. Sau đó anh chuyển sang làm cho một công ty xây dựng ở Thủ Đức. Đó là những năm tháng anh lo được cho cha mẹ, vợ con đầy đủ, sung túc ở quê. Dự định của anh là khi tích lũy đủ, anh sẽ mở xưởng cơ khí riêng và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Nhưng một hôm, vào cái ngày oan nghiệt năm 2002, một đồng nghiệp bất cẩn đã gây ra tai nạn kinh hoàng. Anh đang đứng làm việc thì khối sắt vài tấn quét ngang, ném anh vào một góc bẹp dúm. Nhiều ngày sau anh tỉnh dậy, không hề cảm thấy đau đớn, không có bất cứ cảm giác nào trên cơ thể. Anh bàng hoàng nhận ra mình đã bị liệt toàn thân.
Nhiều tháng trôi qua, anh vẫn nằm liệt trên giường bệnh, mọi sinh hoạt đơn giản đều phải có người bồng bế, làm thay. Từ một thanh niên to khỏe, anh nhanh chóng suy kiệt, ốm nhom.
Số tiền dành dụm tích cóp cho gia đình nhanh chóng đội nón ra đi. Vợ anh, cha mẹ anh thất thần, lo rạc cả người. Khi đôi tay bắt đầu cử động lại được, anh âm thầm lên kế hoạch để giải thoát gánh nặng cho mọi người. Anh hắt hủi ruồng rẫy vợ, ngày nào cũng xéo xắt đuổi vợ đi. Cuối cùng vợ anh cũng rời đi như ý nguyện của anh. Anh nhớ lại: “Cô ấy còn trẻ đẹp, tính nết hiền lành, bắt cô ấy gắn bó với tôi sao được, tội nghiệp lắm!”.
Khi vợ đi rồi, anh cắt dây điện chích vào người để tự tử. Anh không cảm thấy đau đớn gì, chỉ ngất đi. Khi tỉnh lại, anh vẫn thấy mình trong bệnh viện, cha mẹ anh khóc sưng mắt, chạy vạy lo cho anh. Lần kế tiếp anh lại thức dậy trong bệnh viện. Anh nói với cha mẹ: “Thôi, số con trời không cho chết, con không dám chết nữa, khổ cha mẹ quá”.
“Tôi mà chết thì má tôi sống thế nào”
Anh đã nhìn thấy cha mẹ già phải gắng đi làm, nuôi heo kiếm tiền thuốc thang cho anh. Anh quyết định phải sống mạnh mẽ.
Có lần chủ xe xúc đất nhờ cha anh chở anh tới sửa máy. Sửa xong, anh nhờ cha bế ra. Nhưng chủ xe nói: “Thông lái được xe xúc luôn đó hả?”. Anh trả lời: “Xe xúc đấy chỉ ngồi một chỗ xoay cần điều khiển, có gì đâu không làm được”. Chủ xe giao luôn việc vận hành máy xúc đất cho anh cùng với sự trợ giúp của cha. Anh cảm thấy mình đã thật sự sống lại. Anh đã kiếm được tiền kha khá phụ giúp gia đình với sự kề vai sát cánh của cha.
Nhưng được một thời gian, con gái anh bệnh nặng rồi mất. Anh đau buồn đến suy sụp, sức khỏe tuột dốc nhanh chóng. Năm ngoái cha anh cũng bệnh rồi mất. Mọi người trong gia đình canh chừng anh, sợ anh lại nghĩ quẩn. Anh không để cho ai thấy anh khóc. Anh nói với chúng tôi: “Tôi mà chết thì má tôi sống thế nào. Mười mấy năm qua ba má ẵm bồng chăm sóc, thay tã cho tôi cực khổ vô cùng, tôi làm sao dám bất hiếu lần nữa”.
Cũng có người từng lỡ dở mến tính anh, thương cái tài của anh muốn làm bạn tri kỷ chăm sóc cho anh. Anh dứt khoát không nhận tình cảm của người ta, anh nói: “Khi nào tôi lo được cho người ta tôi mới nhận tình cảm đó. Bây giờ niềm vui của tôi là làm việc và dạy dỗ mấy đứa cháu nên người”.
“Anh Thông rành máy móc dữ lắm” “Xe hư là tui đem lại cho anh Thông sửa, vì ổng rành máy móc dữ lắm. Nghe tiếng xe nổ là ổng biết hư cái gì rồi, ổng nói thiệt đó. Xe tôi mấy lần đem tới gara, cái gì người ta cũng bắt thay mới, bắt làm lại, tính ra gần hai chục triệu đồng. Tôi tiếc tiền quá lại đem xuống đây. Ổng hay lắm, cái gì hư ổng sửa, cái gì cần chế ổng chế được luôn, sửa xong tất cả hết có 1 triệu đồng.” Anh Hồ THANH SƠN (ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) Khó khăn nào chúng ta cũng có thể vượt qua Tôi muốn nhắn gửi tới những người không may rằng khó khăn nào chúng ta cũng có thể vượt qua được nếu mình tin như thế. Nếu ai cần giúp đỡ hay chia sẻ, hãy chia sẻ với tôi tại địa chỉ Facebook https://www.facebook.com/ba.thong.3532. Tôi sẽ dành thời gian để giúp bạn vượt qua khó khăn bằng kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Anh NGUYỄN VĂN THÔNG |