Áp lực của con trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, việc mạng xã hội phát triển bên cạnh những mặt mạnh thì mặt trái của nó đã tạo ra thêm rất nhiều áp lực so với thế hệ trước. 

Từ chuyện điểm số...

Tuần rồi, tôi bắt gặp hình ảnh em N., một nữ sinh lớp 6 đứng giữa sân trường bật khóc nức nở ngay khi vừa biết kết quả điểm thi môn địa lý của mình là 3 điểm. Ngay cả chính bản thân em cũng không hiểu chuyện gì xảy ra, vì bình thường em học rất tốt, chưa bao giờ phải nhận một con điểm dưới trung bình.

Ban đầu, tôi cho rằng vì cú sốc khi biết điểm thi quá thấp của mình khiến em thất vọng về bản thân, dẫn đến việc không kềm được nước mắt.

Tuy nhiên, sau khi trò chuyện với em thì tôi nhận ra lý do không phải vậy. Điều khiến em sợ hơn là những đòn roi, sự thất vọng của mẹ mình khi biết được kết quả; là những bữa cơm không lành, canh không ngọt khi mẹ liên tục “nhắc nhở” về điểm số, về những khó khăn mà mẹ đã trải qua để cho em đi học thêm, học bớt mà điều mẹ nhận được lại là thế này...

Gia đình chia ly từ khi em mới học lớp 3, và em theo mẹ. Những biến cố đầu đời khiến từ khi còn nhỏ em đã mang theo nhiều áp lực, phải cố gắng học thật giỏi để đỡ đần cho mẹ, sau này phụ giúp mẹ. Để cho mọi người xung quanh thấy là một mình mẹ em vẫn có thể nuôi con nên người được, con cái giỏi giang, thành tích cao. Chính những áp lực vô hình đó khiến từ bé em đã mang nhiều trách nhiệm phải “lớn nhanh”, phải hiểu chuyện và không được phép sai lầm…

Một cô bé chỉ mới hơn 12 tuổi mà vô tình phải mang theo những thứ “gánh nặng” đến từ chính mẹ của mình. Hình ảnh đôi vai cô bé run lên nức nở ngay giữa sân trường ngày hôm ấy là sự nhắc nhở cho tôi trong việc đối thoại với con cái sau này.

Đến việc thực hiện những ước mơ của bố mẹ…

Cạnh nhà tôi có một gia đình kiểu mẫu, bố mẹ có công việc ổn định, người con trai từ bé đã học một trường nổi tiếng ở thành phố, được bố mẹ thuê giáo viên dạy học piano sau giờ học mỗi ngày.

Trong mắt những gia đình hàng xóm, cậu bé này đúng là phiên bản “con nhà người ta” trong truyền thuyết. Qua dáng vẻ tự hào của bố mẹ em mỗi khi trò chuyện với chúng tôi, rằng cậu học trường chuyên, lớp chọn, đạt nhiều giải thưởng cấp quận, thành phố, đi thi piano ở trung tâm này trung tâm nọ khiến ai cũng có phần ghen tị và ngưỡng mộ.

Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ khi một ngày tôi nghe tiếng quát rất lớn của người bố, sau đó là một tràng dài tiếng la hét, tiếng vụt từ đòn roi của mẹ, rồi cuối cùng là tiếng khóc thút thít của cậu bé, chỉ vì cậu không chịu học đàn nữa mà muốn được đi đá bóng cùng bạn bè. Kể từ đó, tần suất của những lần cuộc cự cãi “một chiều” trong gia đình ngày càng nhiều hơn. Hàng xóm xung quanh ai cũng tặc lưỡi “Cái tuổi dậy thì nhiều cái chứng, cái bướng, cứ mặc kệ nó đi là được”. Đỉnh điểm, một tối bố mẹ hớt hải đi hỏi thăm xung quanh xem có bắt gặp thằng bé không, kể từ khi tan học đến giờ mà chẳng thấy bóng dáng. Cả nhà nháo nhào đi tìm, liên hệ khắp nơi hỏi thăm xem liệu cậu có qua nhà bạn chơi hay không. Đằng đẵng đến hơn 12 giờ đêm, một người hàng xóm nhìn thấy cậu đang lang thang gần bờ kè một mình. Bố mẹ một phen hú vía, vẫn không quên buông vài lời trách mắng con sao dại dột.

Sau sự kiện đó, người bố mới thành thật là từ bé bản thân ông đã có ước mơ được học piano. Tuy nhiên vì gia đình hồi đó chẳng có điều kiện để được học, nên ông đành gửi gắm ước mơ của mình vào người con, với hi vọng sau này con sẽ trở thành một nghệ sĩ piano, được biểu diễn trên sân khấu lớn, với hàng trăm, hàng ngàn người theo dõi. Ban đầu chỉ là muốn con học cho bằng bạn bằng bè, nhưng chẳng biết từ khi nào, cậu bé phải đảm nhận luôn việc thay bố mình thực hiện ước mơ còn dở dang của ông…

Và vô vàn những áp lực thời đại khác...

Hai câu chuyện ở trên không hiếm gặp, chỉ cần nhìn ngay xung quanh thì ta cũng có thể bắt gặp một trường hợp tương tự. Sau một vài trải nghiệm tôi mới nhận ra việc làm bố mẹ cũng phải học, làm bạn với con cũng phải học. Suy cho cùng, chúng ta cũng từng là những đứa trẻ không hiểu chuyện trên thế gian này lớn lên và đang tìm kiếm hạnh phúc mỗi ngày. 

Việc nhìn thấy những cá nhân tài giỏi ở nhiều nơi khác đối với các em cũng là một loại áp lực “cạnh tranh đồng lứa”.

Đại dịch COVID-19 vừa rồi ít nhiều tăng thêm những áp lực vô hình đối với các em, việc học online hoàn toàn khiến các em phải dành phần lớn thời gian trong ngày chỉ để dán mắt vào màn hình máy tính, từ chuẩn bị bài vở, cho đến sau giờ học mà ít giao tiếp trực tiếp với bạn bè bên ngoài. Việc học trực tiếp mới được thực hiện vài tháng nay. Ở lứa tuổi mới lớn, nhu cầu giao lưu bạn bè trực tiếp là rất lớn. Chỉ riêng việc đó thôi thì năm qua đã là một năm thiệt thòi của các em. Đó là chưa kể những đứa trẻ phải sống trong cảnh có cha mẹ cơm không lành canh không ngọt. 

Tôi luôn tự nhắc mình cần phải dành nhiều sự quan tâm, để thấu hiểu những đứa trẻ bên cạnh mình hơn. Làm sao để các em hiểu được rằng: Dù cho có khó khăn như thế nào thì phụ huynh, gia đình vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc cho các em. Khi có người lớn tin yêu cạnh bên, khó khăn mấy cũng giải quyết được, không có gì là đường cùng. Đó là thông điệp tôi chúng ta cần gửi đến con cái của mình mỗi ngày, trong từng hành động nhỏ. Bắt đầu từ việc khi con cái đi học về, thay vì hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm?” thì câu nói quan tâm nên được thốt ra là: “Ngày hôm nay của con có vui không?”...

Cảnh báo tình trạng trẻ tự tử
Cảnh báo tình trạng trẻ tự tử
Trong báo cáo gần đây của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tự tử đang đứng thứ ba sau đuối nước và tai nạn giao thông về căn nguyên tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm