Giữa Apple và FBI đã xảy ra bất đồng nảy lửa về việc mở khóa dữ liệu được mã hóa trong một chiếc iPhone liên quan đến vụ nổ súng ở San Bernardino tháng 12 năm ngoái.
Vấn đề trung tâm gây ra cuộc tranh cãi là việc lựa chọn hợp tác với chính phủ hay đảm bảo quyền riêng tư một cách tuyệt đối của người dùng iPhone.
Các nhà hành pháp (của Mỹ) đã nỗ lực quy kết hãng Apple có khả năng là kẻ đồng lõa trong việc bàn giao thông tin cho chính phủ Trung Quốc với lý do thương mại nhưng lại từ chối hợp tác với Mỹ để truy cập vào dữ liệu cá nhân trong vụ án hình sự.
Reuters dẫn lời luật sư Bruce Sewell xác nhận trong hai năm qua, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Apple cung cấp mã nguồn của iPhone, chiếc điện thoại được mặc định mã hóa và được sử dụng bởi hàng trăm triệu người trên thế giới.
“Tôi muốn được làm rõ điều này. Apple đã không cung cấp mã nguồn cho chính phủ Trung Quốc” - vị luật sư nói trong phiên tòa ngày 19-4.
Trước đó, Apple đã phủ nhận cáo buộc “có hành vi bôi nhọ” từ Bộ Tư pháp Mỹ trong nỗ lực buộc công ty này mở khóa iPhone 5C. Chiếc iPhone là điện thoại của một trong hai tên thủ phạm của vụ nổ súng San Bernardino.
Apple đã bác bỏ cáo buộc cung cấp mã nguồn độc quyền iOS cho chính phủ Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Tranh luận lại diễn ra trong buổi điều trần nhằm thẩm vấn điểm chung tiềm năng giữa những nhà hành pháp và công ty công nghệ trong cuộc tranh luận về vấn đề mã hóa. Sau hơn ba giờ đồng hồ vẫn chưa có thỏa thuận rõ ràng nào được đưa ra.
Đại úy Charles Cohen, Cảnh sát trưởng tiểu bang Indiana, lặp đi lặp lại ý kiến cho rằng Apple đã âm thầm hợp tác với Bắc Kinh, kiểm soát nghiêm ngặt công nghệ để đổi lấy quyền gia nhập vào thị trường.
Bộ Tư pháp Mỹ lập luận trong trường hợp San Bernardino, chính phủ sẵn sàng yêu cầu Apple giao nộp mã nguồn làm nền tảng cho sản phẩm của hãng này, mặc dù lúc đó chính phủ chỉ nhờ sự giúp đỡ của công ty qua việc viết phần mềm mới có khả năng vô hiệu hóa các biện pháp bảo vệ mật mã trên điện thoại.
Những chuyên gia công nghệ và an ninh đều cho rằng nếu chính phủ Mỹ đã có được mã nguồn của Apple với lệnh của tòa án thông thường, chính phủ các nước khác sẽ có cớ đòi làm điều tương tự.
Không lâu sau khi đạt được chỉ thị của tòa án vào tháng 2, FBI đã bỏ vụ kiện với Apple qua thông báo rằng họ đã tìm thấy một pháp nhân thứ ba giúp nhà điều tra xâm nhập vào iPhone của tay súng Rizwan Farook.
Ngày 19-4, Apple và FBI đã xuất hiện lần thứ hai tại Quốc hội để làm chứng về việc những nhà hành pháp truy cập các thiết bị mã hóa - một tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa thung lũng Silicon và Washington được nhắc lại qua vụ án San Bernardino.
Bế tắc này nhấn mạnh mối quan ngại về an ninh quốc gia gây ra bởi những tiến bộ trong công nghệ bảo mật, việc tội phạm sử dụng thiết bị liên lạc được mặc định mã hóa đã gây nhiều cản trở cho điều tra viên - nhà hành pháp nói trong phiên tòa.
Phản biện lại, Apple và các công ty khác cho rằng công nghệ bảo vệ người tiêu dùng là phần không thể thiếu.