Các bị cáo tại phiên tòa.
Trong vụ án này, bị cáo Vũ Quốc Hảo (nguyên tổng giám đốc ALCII) cùng 10 đồng phạm đều bị truy tố về tội tham ô tài sản theo khoản 4, điều 278, BLHS. Các bị cáo hầu toà vì hành vi cấu kết nâng khống thiết bị tàu lặn lên gấp 1.300 lần để chiếm đoạt tài sản của ALCII.
Bắt đầu phần tranh luận, công tố viên đã đề nghị HĐXX xử phạt tử hình ba bị cáo gồm Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALC II); Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam); Phạm Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cát Long Hải). Theo công tố viên, bị cáo Hảo có vai trò chủ mưu và hai bị cáo còn lại là giúp sức đắc lực. Cả ba đều biến chất, tha hoá nên cần xử phạt mức án cao nhất.
Ba bị cáo Lê Phúc Đức (nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam); Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải); Lê Thị Minh Huệ (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Cát Long Hải) cùng bị đề nghị mức án chung thân.
Các bị cáo còn lại xét có vai trò hạn chế hơn nhưng cũng là một mắt xích quan trọng, ngoài ra xem xét các bị cáo từng có cống hiến trong quá trình làm việc nên đề nghị mức xử phạt tù có thời hạn từ 18 đến 20 năm tù. Cụ thể là bị cáo Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc ALC II); bị cáo Phạm Xuân Nghị (nguyên Trưởng phòng Cho thuê tài chính ALC II); bị cáo Đinh Nguyên Tý (nguyên Phó phòng Cho thuê tài chính ALC II); bị cáo Nguyễn Văn Thọ (nguyên Phó phòng Cho thuê tài chính ALC II). Riêng bị cáo Phùng Văn Đồng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh ALC II) bị đề nghị xử phạt từ 15 đến 16 năm tù.
Về phần dân sự, sáu bị cáo bị đề nghị mức án chung thân, tử hình có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho công ty ALCII như yêu cầu.
Công tố viên khẳng định qua phần xét hỏi dù một số bị cáo đều phủ nhận nội dung cáo trạng. Nhưng theo các tài liệu, chứng cứ, lời khai... có đủ căn cứ để xác định cho rằng việc truy tố các bị cáo ở hành vi tham ô tài sản là thỏa đáng.
Cụ thể trong quá trình điều hành công ty ALC II, với mục đích rút tiền của Nhà nước thông qua việc ký và thực hiện các hợp đồng cho thuê tài chính, bị cáo Hảo đã chủ động bàn bạc với một số đối tượng thành lập Công ty cổ phần Cát Long Hải.
Ban đầu, Công ty Cát Long Hải do Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Vũ Hùng Sơn (em họ Hảo) làm Giám đốc. Theo giấy đăng ký, Công ty Cát Long Hải có vốn điều lệ là 16 tỉ đồng nhưng thực chất toàn bộ số tiền trên do Hảo đi vay mượn của các cá nhân, đơn vị có quan hệ với mình. Đến tháng 1-2007, Hảo nhờ Hoàng Xuân Tiến (cháu của Tuấn) và em dâu là Huệ làm giám đốc. Đến tháng 8-2007, Hảo tiếp tục nhờ em họ khác làm giám đốc và chuyển Huệ sang làm Phó Giám đốc kiêm kế toán trưởng phụ trách tài chính.
Qua mối quan hệ làm ăn, Hảo quen với ông Kochi (người Nhật Bản). Biết ông Kochi có tàu lặn Tinro 2, sản xuất năm 1975 đang khai thác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Hảo nảy sinh ý định sử dụng tàu này làm tài sản bảo đảm để ký hợp đồng thuê tài chính với ALCII. Thực hiện ý định trên, Hảo đề nghị ông Kochi đưa tàu lặn làm tài sản góp vốn vào công ty Cát Long Hải.
Do tàu Tinro 2 không có hồ sơ pháp lý, Hảo nghĩ cách hợp thức hóa con tàu bằng cách chi tiền thuê tàu Hải Dương 9 chở tàu Tinro 2 ra tận địa phận cảng Cửa Cấm, Hải Phòng để cố ý tạo tình huống cho con tàu này bị bắt giữ rồi Tuấn làm thủ tục xin mua lại Tinro 2 với giá 100 triệu đồng. Sau đó, Hảo móc nối với giám định viên định giá tàu Tinro lên tới 130 tỉ đồng.
Ngay sau khi được giải ngân số tiền 130 tỉ đồng, Hảo đã chỉ đạo cho sử dụng 79 tỉ đồng giải chấp các khoản nợ vay và đồng thời thanh toán mua đất. Số tiền còn lại trích nộp tiền đặt cọc cho ALCII 40,3 tỉ, nộp tiền ký cược cho ALCII theo quy định 3,9 tỉ, mua bảo hiểm cho tàu Tinro hơn 688 triệu, chi sửa chữa tàu Tinro 400 triệu, trả nợ gốc và lãi cho ALCII theo hợp đồng cho thuê 897 triệu, chi mua dầu, lương thực cho Tinro 2: 1 tỷ đồng… chỉ còn hơn 14 triệu đồng.
Phiên toà vẫn tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.