Ba điểm nghẽn chính ngăn cản Việt Nam nâng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

(PLO)- Để cạnh tranh tốt hơn với các nước trong khu vực nhằm giành những dòng vốn FDI chất lượng, gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam thực sự cần phải giải quyết được vấn đề về năng suất lao động, hệ thống logistics và pháp lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

CEO của ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Tim Evans, mới đây đã công bố một số nhận định về chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sự thích ứng mà Việt Nam cần phải có để lên được những nấc thang cao hơn trong chuỗi này.

Ba điểm nghẽn chính ngăn cản Việt Nam nâng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
CEO ngân hàng HSBC Việt Nam - ông Tim Evans

CEO ngân hàng HSBC nhận định các chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp tục phát triển và dịch chuyển. Một xu thế sẽ trở nên phổ biến chính là nhiều nền kinh tế có động thái giảm rủi ro trong thương mại với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, ông Evans cho rằng ASEAN được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa thương mại này và Việt Nam nằm trong nhóm các nước được hưởng lợi nhiều nhất.

Theo phân tích của CEO ngân hàng HSBC, chiến lược thu hút FDI của chính phủ Việt Nam nên khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN, đồng thời cũng nên đánh giá thêm các thị trường khác chẳng hạn như Ấn Độ hay Mexico.

Singapore và Malaysia đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn, trong đó, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch, còn Malaysia là trung tâm đóng gói và kiểm thử. Thái Lan đã trở thành một chuỗi cung ứng ô tô và nhà cung ứng cho xe điện có chỗ đứng nhất định. Indonesia đang nhắm tới hệ sinh thái xe điện với nguồn nickel dồi dào và thị trường ô tô trong nước rộng lớn.

Việt Nam cũng đang từ từ dấn thân vào cả thị trường xe điện lẫn chất bán dẫn khi hướng đến chuỗi giá trị cao hơn, trong khi vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường nhờ giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều thỏa thuận FTA có hiệu lực và cùng chất lượng lao động địa phương.

ThuongmaiBloomberg5.jpg
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện chất lượng của hệ thống logistics - Ảnh: Bloomberg

CEO của HSBC cho rằng Việt Nam cần giải quyết ba nút thắt chính để thu hút được nhiều FDI hơn và gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng:

Thứ nhất, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện chất lượng và năng suất lao động. Việt Nam vẫn đứng sau những thị trường ASEAN lớn về năng suất lao động với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp ở mức 9,7 so với mức 10~26 của các nước ASEAN khác.

Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam cũng bị tụt lại phía sau Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với những hạn chế về thời gian giao hàng, khả năng truy suất… Hạ tầng logistics không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế với vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện, trong khi vận tải đường biển và cảng biển mới là yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế thiên về gia công, xuất khẩu.

Cuối cùng, thích ứng với môi trường pháp lý tiếp tục là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.

Theo khảo sát HSBC Global Connection gần đây nhất, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.

Xây dựng khung pháp lý ổn định và dễ vận dụng sẽ là một bước tích cực trong thu hút thêm các bên tham gia đầu tư vào thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm