Bà Phạm Khánh Phong Lan: 'Quyết liệt hơn với chính sách đãi ngộ nhân viên y tế'

(PLO)- Chính sách đãi ngộ nhân viên y tế cần làm một cách thực tế, quyết liệt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ ba, ngày 25-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu dành thời gian để đánh giá công tác quản lý, chính sách đãi ngộ của ngành y tế. Các đại biểu đã nhấn mạnh những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan rất mong Bộ Y tế mạnh mẽ hơn trong đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế một cách xứng đáng và hợp lý. “Chúng ta mất chất xám rất nhiều khi 5-6 năm mới đào tạo được một bác sĩ, mà đa số các em sau khi ra trường sẽ đi làm trình dược viên, bán hàng để có lương đủ sống trước mắt nhưng sau này lụi nghề hết” - bà Lan nói.

Bà Lan mong muốn chính sách đãi ngộ nhân viên y tế cần làm một cách thực tế, quyết liệt hơn, bởi nếu không sửa thì càng lúc sẽ càng tệ.

Liên quan đến tăng cường hệ thống y tế cơ sở, bà Lan đồng tình với phát biểu của Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Bà nhấn mạnh ngành y có những đặc thù đào tạo rất riêng, một khi được đào tạo y tế cộng đồng thì đừng nghĩ đến mục tiêu trở thành bác sĩ điều trị. Đừng nghĩ là phải trang bị thật nhiều máy móc để biến trạm y tế xã, phường thành đơn vị điều trị nhỏ, chuyện nào ra chuyện đó.

Theo bà Lan, để xây dựng hệ thống y tế cơ sở hiệu quả, cái cần là chính sách. “Chúng ta đang thiếu chiến lược để xây dựng hệ thống y tế cơ sở. Y tế cơ sở, nhân viên y tế cộng đồng cực kỳ quan trọng nhưng vấn đề là chúng ta đào tạo như thế nào, đặt ra đường lối, công việc, đãi ngộ ra làm sao cho hiệu quả” – bà nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm