Hỗ trợ y tế cơ sở: Người mới mừng, người cũ tâm tư

(PLO)-  Các trạm y tế mừng với chính sách thu hút nhân sự mới nhưng vẫn còn tâm tư khi thu nhập của những người gắn bó lâu năm chưa đảm bảo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù nhằm nâng cao năng lực trạm y tế (TYT) tuyến cơ sở trên địa bàn.

Theo đó, mức hỗ trợ với bác sĩ (BS) là 60 triệu đồng trong 18 tháng; 30 triệu đồng cho điều dưỡng, hộ sinh trong chín tháng. Người về hưu có chuyên môn BS, hợp đồng với TYT mức lương 9 triệu đồng/tháng; người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng…

Hy vọng tuyển nhân sự dễ hơn

BS Lê Phước Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 1, cho biết trung tâm mới nhận 10 BS về phân bổ cho 10 trạm. TYT phường, xã đang rất thiếu người, nhất là BS có chứng chỉ hành nghề, nhiều BS về thực hành có chứng chỉ hành nghề xong nghỉ việc là bài toán đau đầu lâu nay. “Hy vọng chính sách mới sẽ giữ chân được nhân viên, không phải tuyển mới liên tục như hiện nay” - BS Hùng hy vọng.

Hỗ trợ y tế cơ sở: Người mới mừng, người cũ tâm tư ảnh 1

Bác sĩ khám chữa bệnh tại Trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG LAN

138,5 tỉ đồng một năm là số tiền TP.HCM dự kiến chi hỗ trợ nhân viên 310 TYT phường, xã trên địa bàn từ nay đến năm 2025.

BS Lâm Phước Trí, Trưởng TYT phường Tân Quý (quận Tân Phú), chia sẻ nhân sự TYT thường xuyên biến động do mức thu nhập không tương xứng với áp lực công việc. Đơn cử, một BS về hưu cộng tác tại trạm chỉ được trả 5 triệu/tháng trong khi làm ở ngoài thu nhập gấp 2-3 lần. TYT thường xuyên rơi vào cảnh không tuyển được BS, quá tải khi phải quản lý địa bàn đông dân cư lên đến 70.000 người.

“Y tế tuyến cơ sở cực lắm, không có tâm rất dễ nản. Nhân viên ở đây không đơn thuần làm chuyên môn, nghỉ theo giờ hành chính. Công việc nhiều khi đến 9, 10 giờ tối hoặc làm Chủ nhật, thứ Bảy là bình thường. Ví dụ, Chủ nhật địa phương tổ chức khám nghĩa vụ quân sự trạm cũng phải phối hợp” - BS Trí cho hay.

BS Phạm Hoàng Phước, Trưởng TYT phường 11 (quận 5), cho biết trạm chỉ có biên chế là trưởng trạm và một BS về thực hành, còn lại là nhân viên cơ hữu trên bốn năm nhưng trong diện hợp đồng hằng năm nên không có thu nhập tăng thêm. Đáng nói họ cũng không là đối tượng được hỗ trợ từ chính sách mới. “Nữ hộ sinh về hưu đang ký hợp đồng với trạm làm việc rất hiệu quả, năng suất vượt trội do có nhiều kinh nghiệm nên không lý do gì mà không được đãi ngộ xứng đáng” - BS Phước góp ý cần xem xét toàn diện các đối tượng để tạo sự công bằng.

Cần môi trường nâng cao tay nghề

Là một BS trẻ được bố trí về thực hành tại TYT phường Tân Quý (quận Tân Phú), BS đa khoa Hồ Lê Anh Khoa tốt nghiệp ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện đang thực hành song song tại Bệnh viện (BV) Nhân dân 115.

“Nếu như trước đây thực hành 18 tháng ở BV, phải tự túc chi phí từ 48 triệu đến 54 triệu đồng thì khi về thực hành tại TYT sẽ được miễn chi phí này. Khoản hỗ trợ 60 triệu đồng cũng là nguồn khích lệ không nhỏ” - BS Khoa chia sẻ, đồng thời cho biết thực hành ở TYT khá phù hợp với BS chuyên ngành BS đa khoa gia đình, chẩn đoán hình ảnh, tai mũi họng… Tuy nhiên, TYT chưa thu hút BS mới không chỉ do thu nhập thấp mà còn ít cơ hội nâng cao tay nghề. Lý do TYT ít người dân đến khám là do họ chưa tin tưởng nhiều và không được cấp thuốc đều như BV tuyến trên.

Cũng theo BS Khoa, qua tìm hiểu mô hình ở nước ngoài cho thấy người dân phải có giấy giới thiệu của BS đa khoa gia đình mới được chuyển tuyến cao hơn. Khi các BV tuyến trên khám cho bệnh nhân nặng xong, qua đợt bệnh nặng và ổn định có thể liên kết hồ sơ bệnh án điện tử đưa người bệnh về theo dõi tại TYT, tránh quá tải tuyến trên.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cho biết qua khảo sát y tế tuyến cơ sở bộc lộ nhiều vấn đề. “Nhức nhối nhất là thiếu người với gần 300 biên chế. Bất cập là theo quy định, mỗi trạm không quá 10 biên chế trong khi có những trạm phải quản lý cả trăm ngàn dân như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B… khiến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân chưa đảm bảo. Các chính sách thu hút nhân lực, thu nhập của nhân viên lâu năm chưa tương xứng, ngành y tế cần tiếp tục đề xuất tham mưu” - ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, để có nhân sự làm việc lâu dài tại các TYT, ngành y tế cần đào tạo nhân viên, kết nối với các BV lớn, luân phiên BS các BV về trạm công tác để người dân đến khám bệnh. “Kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Khám chữa bệnh phải mở hơn như: Cấp đầy đủ thuốc chữa bệnh mạn tính cho TYT, tránh khám bệnh ở trạm mà nhận thuốc ở BV gây phiền phức; đẩy mạnh một số chính sách đào tạo nâng cao tay nghề; kết nối bệnh án điện tử với các BV để kịp thời quản lý, điều trị cho người dân…” - ông Bình đề xuất.

Sẽ bổ sung thuốc cho các trạm y tế

Qua khảo sát, nguyên nhân người dân đến khám bệnh tại TYT ít là do trạm không đủ thuốc như BV tuyến trên. Do đó, Sở Y tế đã duyệt các danh mục kỹ thuật ở TYT và thuốc sẽ được bổ sung. Tuy danh mục thuốc không thể đầy đủ như tuyến trên nhưng ở mức độ nào đó, chúng tôi cố gắng đáp ứng được mô hình bệnh tật của địa phương cũng như nhu cầu của người dân, việc này sẽ thực hiện từng bước.

Ngoài thu hút, giữ chân nhân viên, ngành y tế còn tăng cường cơ sở vật chất cho các TYT. Thời gian qua, TP đã xây dựng, sửa chữa, cải tạo, xây mới 34 TYT, năm nay sẽ làm tiếp 146 trạm tùy theo mức độ có thể xây mới, cải tạo… với nguồn kinh phí 296 tỉ đồng do Bộ Y tế cấp.

Ông NGUYỄN HỮU HƯNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ tại kỳ họp thứ 5 HĐND khóa X ngày 7-4

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm