Bà Rịa-Vũng Tàu: Còn hiện tượng chung chi khi làm thủ tục liên quan đất đai

(PLO)- Các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để nâng cao các chỉ số liên quan đến Cải cách hành chính của Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội nghị “Giải pháp để nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu năm 2023”.

Nhiều mô hình cài cách hành chính hiệu quả

Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 70,26 điểm (tăng 1,23 điểm) và xếp hạng 4 cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021, xếp thứ nhất trong khu vực Đông Nam Bộ.

Kết quả Chỉ số PAR INDEX năm 2022 của tỉnh tăng 10 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP cao nhất cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Chỉ số SIPAS (đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước) xếp hạng 18/63 tỉnh, TP, tăng 20 bậc so với năm 2021.

Cải cách hành chính Bà Rịa-Vũng Tàu

Bảng thống kế chỉ số PAR INDEX tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ 2012-2022.

Để đạt được kết quả này, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Một số mô hình CCHC được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như việc rà soát, xử lý văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị chưa hoàn thành đúng tiến độ; Công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC) và kết quả giải quyết hồ sơ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; Chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ công chức viên chức một số đơn vị còn hạn chế.

Việc giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu; Thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách chưa đầy đủ…

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ; Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TK

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ; Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TK

Người dân, doanh nghiệp chỉ ra nhiều tồn tại

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận, ý kiến phân tích, đánh giá thẳng thắn về kết quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS năm 2022 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó tập trung những chỉ số nội dung chưa tốt...

Theo các chuyên gia, qua khảo sát người dân đánh giá việc tiếp cận thông tin và đóng góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, giải đáp các thủ tục ở cấp xã... còn rất hạn chế. Còn có hiện tượng nhận “chung chi” khi làm sổ hồng…

Các doanh nghiệp trong tỉnh có đánh giá tích cực về sự năng động của chính quyền, tuy nhiên đề nghị chính quyền cần tăng cường hiệu quả đối thoại, tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các nhóm doanh nghiệp...

Một số khâu thủ tục về đất đai vẫn là điểm nghẽn với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải đón tiếp nhiều đoàn thanh tra xây dựng và thanh/kiểm tra an toàn cháy nổ. Việc tiếp cận các tài liệu pháp lý và một số loại tài liệu quy hoạch vẫn khá hạn chế; tỉ lệ doanh nghiệp thụ hưởng các chương trình hỗ trợ vẫn rất thấp…

Người dân làm thủ tục hành chính tại Vũng Tàu

Người dân đến làm TTHC tại phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu. Ảnh minh họa: TK

Từ những hạn chế nêu trên, các chuyên gia đã đưa ra những đề xuất, giải pháp cũng như các cách làm hay của các tỉnh, TP trên cả nước trong việc cải thiện chỉ số PAR INDEX, SIPAS. Qua đó góp phần định hướng giải pháp để nâng cao các chỉ số CCHC trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…

Sau khi nghe ý kiến các chuyên gia, đại biểu tham dự hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương khẩn trương rà soát những hạn chế, thiếu sót, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để có các giải pháp khắc phục kịp thời, nâng cao các chỉ số trong năm 2023.

Ông yêu cầu tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh giúp giảm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Cùng đó, tỉnh cần rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ trong thực thi công vụ, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm