Video: Bà Rịa- Vũng Tàu: Nhiều di vật có giá trị khi khai quật di chỉ Vòng Thành Đá Trắng |
Ngày 19-4, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cùng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo “Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng thuộc ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên mộc”.
Theo Sở Văn hóa Thể thao, di chỉ Vòng Thành Đá Trắng được phát hiện từ năm 2002. Tháng 4-2021, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch cấp phép khai quật khảo cổ tại di chỉ này. Sau 6 tháng tập trung triển khai thực hiện, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cùng trung tâm Khảo cổ học đã trực tiếp tiến hành việc khai quật cho nhiều kết quả.
Các di vật được trưng bày- Ảnh:HS |
Cụ thể, các nhà khảo cổ đã đào 66 hố thăm dò và 13 hố khai quật. Qua đó xác định di chỉ là thành cổ có niên đại thế kỷ 15 - 16, gồm trung tâm là vòng tường thành bằng đá ong có hình vuông với quy mô rộng 4,2 ha, bên ngoài được bao bọc bằng một vòng hào hình chữ nhật có tổng diện tích lên đến hơn 10 ha.
Tại đây, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều loại hình di vật, gồm các loại vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động bằng sắt, đất nung cùng với số lượng lớn đồ gốm (bao gồm đồ sành, sứ) có nguồn gốc xuất xứ khá đa dạng, từ Champa, Trung Hoa, Đại Việt, Sukhothai (Thái Lan).
Nhiều đồ gốm xuất xứ đa dạng được tìm thấy tại Vòng Thành Đá Trắng- Ảnh:HS |
Qua quá trình khảo cổ cũng đưa ra nhận định trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Nam Bộ có nhiều di tích thành cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất như thành Gia Định (TP.HCM), thành Biên Hòa (Đồng Nai), Lũy Phước Tứ (Bà Rịa- Vũng Tàu), Bảo Tiền, Bảo Hậu (Đồng Tháp)…Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chỉ Vòng Thành Đá Trắng là di tích thành cổ ở Nam Bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa với cấu trúc thành xây bằng đá ong có hào bao quanh.
Đây cũng là di chỉ khảo cổ duy nhất ở Nam Bộ cho đến nay phát hiện được gốm Champa và có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam Bộ.
Vòng thành tại di chỉ Vòng Thành Đá Trắng- Ảnh:HS |
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy di tích đã đang bị mai một, hư hại dưới tác động của các hoạt động thay đổi cơ cấu sử dụng đất phục vụ canh tác, xây dựng và phát triển kinh tế. Điều này đã đặt ra một thách thức to lớn đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quan trọng này trong thời gian sắp tới.
Qua hội thảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cùng các nhà khảo cổ công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất. Đồng thời, qua ý kiến nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành về sử học, khảo cổ học, các chuyên gia quản lý di sản văn hóa, các đơn vị thông tin truyền thông đánh giá thêm về các đặc trưng, giá trị của di tích.
Mặt khác, việc đưa ra thảo luận về các giải pháp là cần thiết, phù hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhằm tìm ra định hướng đúng đắn trong việc phổ biến thông tin về di tích để thông qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đối với lịch sử - văn hóa tại địa phương trong thời gian tới.