Bà Rịa-Vũng Tàu: Phạt nặng nhóm bị cáo tham gia rửa tiền xuyên quốc gia

(PLO)- Các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài rồi chuyển tiền về tài khoản mở tại Việt Nam để rút và chia nhau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-5, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án vụ án rửa tiền xuyên quốc gia do các bị cáo người Việt Nam cùng một bị cáo người nước ngoài cấu kết thực hiện.

Cụ thể, tuyên phạt Uzol Emmanuel (35 tuổi, quốc tịch Nigeria, sinh sống tại TP.HCM) 14 năm tù; Nguyễn Thị Hạnh (42 tuổi, ngụ Đồng Nai) và Nguyễn Thị Vinh (ngụ TP.HCM) mỗi bị cáo 11 năm tù; Phạm Thanh Dũng 10 năm 6 tháng tù; Vũ Thành Trung 10 năm tù giam.

Được chia % khi đứng tên thành lập công ty

Theo cáo trạng, năm 2017 bị cáo Hạnh quen biết và sinh sống như vợ chồng với Uzol Emmanuel. Từ tháng 8-2021, Uzol Emmanuel được người bạn tên Arinze (sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, không rõ nhân thân, lai lịch) liên lạc và thỏa thuận nhờ Uzol Emmanuel thành lập công ty tại Việt Nam. Sau đó đăng ký mở tài khoản tại ngân hàng và chuyển thông tin cho Arinze.

Về phần Arinze, đối tượng sẽ hack (xâm nhập vào tài khoản) Email của các công ty ở nước ngoài để lừa các công ty này chuyển tiền vào tài khoản tại các công ty ở Việt Nam do Uzol Emmanuel lập. Khi tiền chuyển vào, Uzol Emmanuel và đồng bọn sẽ rút về. Lấy được tiền ra, Uzol Emmanuel được nhận 20% trên tổng số tiền, còn 80% thì chuyển cho Arinze.

Các bị cáo nghe tuyên án chiều 20-5. Ảnh: TĐ

Các bị cáo nghe tuyên án chiều 20-5. Ảnh: TĐ

Uzol Emmanuel đã đồng ý và về bàn với Hạnh để tìm người mở công ty. Khi rút tiền xong, Hạnh sẽ đưa 10% trên tổng số tiền rút được cho người mở công ty, còn lại 90% thì đưa về cho Uzol Emmanuel.

Sau đó, Hạnh nói với bị cáo Nguyễn Thị Vinh (42 tuổi, là bạn của Hạnh) về việc làm trên. Về 10% số tiền trả công cho người lập công ty thì Hạnh và Vinh thỏa thuận, Hạnh sẽ giữ lại riêng 4%, còn lại đưa cho Vinh. Vinh lại trao đổi với bạn trai là Phạm Thanh Dũng để tìm người lập công ty. Việc giữ và trích nhỏ phần trăm được Vinh nói với Dũng. Sau đó Dũng đồng ý và rủ thêm người khác là Vũ Thành Trung cùng tham gia...

Về các công ty, bước đầu Hạnh cung cấp cho Vinh các thông tin về tên công ty, tài khoản ngân hàng, email của công ty qua phần mềm di động. Vinh không trực tiếp đi làm mà lên mạng Internet tìm dịch vụ mở công ty. Sau đó, Vinh thuê một người không rõ nhân thân, lai lịch với chi phí từ 17-18 triệu đồng/công ty, trong vòng 2-3 ngày. Chi phí mở do Hạnh và Vinh ứng trước.

Phạm tội rửa tiền xuyên quốc gia

Với phương thức thủ đoạn trên, các bị cáo đã thành lập 17 công ty khác nhau, cùng đối tượng ở nước ngoài tiến hành rửa tiền hai lần. Lần đầu thực hiện rút tiền, chia phần trăm theo thỏa thuận thành công.

Đến lần thứ hai các bị cáo chưa kịp rút tiền thì tài khoản ngân hàng bị công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị phong tỏa. Sau đó các đối tượng lần lượt bị bắt giữ.

Đối với các đối tượng người nước ngoài chỉ đạo Uzol Emmanuel mở các công ty tại Việt Nam để nhận nguồn tiền bất hợp pháp từ nước ngoài chuyển về, do thông tin không rõ nên không đủ cơ sở xác minh. Số tiền các đối tượng chuyển về lần sau đã được bàn giao cho bị hại ở nước ngoài theo đúng quy định...

Tại phiên tòa, các bị cáo liên tục kêu oan và cho rằng chỉ làm theo yêu cầu chứ không biết đây là đường dây rửa tiền xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, HĐXX khẳng định các bị cáo biết hành vi phạm tội. Đây là vụ án có quy mô lớn, xuyên quốc gia còn việc truy tố các bị cáo tội rửa tiền là đúng người đúng tội. Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang tách ra một vụ án khác để điều tra, xử lý với các đối tượng tại Việt Nam...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm