‘Ba Thợ Tiện’ là ai?

Đại diện Nhà sách Phương Nam tặng hoa nhà báo Ba Thợ Tiện 

Từ nhiều thập kỉ qua, nhà báo Hoàng Thoại Châu được đông đảo bạn đọc biết đến qua bút danh Thợ Tiện báo Tuổi Trẻ Cười rồi đến Ba Thợ Tiện trên chuyên mục Nói hay Đừng của báo Lao Động, Cực chẳng đã (Thanh Niên Thời Đại), Nghịch lý (Nhà báo và Công luận), Tréo cẳng ngỗng (Lao động xã hội), Giữa đường thấy chuyện (Nông thôn ngày nay)... 

Thầy giáo Nguyễn Văn Long - người thầy đầu tiên của nhà báo Ba Thợ Tiện năm nay đã 92 tuổi cũng đến chung vui cùng học trò.

Nhiều bạn trẻ tò mò bút danh lạ của một nhà báo lão thành khi đến tham dự buổi giao lưu đã được ông giải thích: "Sở dĩ có bút danh này là nhờ anh Hồng Đăng. Một hôm anh gọi, hỏi: "Với Nói hay Đừng, anh định ký tên là gì, chắc không phải là Hoàng Thoại Châu?

Tôi trả lời ngay:

- Là "Thợ Tiện". Bút danh ấy tôi đã dùng ở Tuổi Trẻ Cười.

Anh Hồng Đăng lắc đầu ngay:

- Không được. Cái gì có liên quan với Tuổi Trẻ, hãy để lại cho Tuổi Trẻ.

Tôi im lặng. Anh hỏi tiếp:

- Anh là thứ mấy trong gia đình?

- Thứ hai, vậy là "Hai Thợ Tiện".

Anh Hồng Đăng lại lắc đầu:

- Không nên. Khiêm tốn một chút, có khi mình chỉ là anh Ba thôi - "Ba Thợ Tiện", được không... anh Ba?

Chúng tôi cùng cười. Và từ đó có bút danh cho chuyên mục Nói hay Đừng. À, mà là người miền Trung cũng nên nói lái Nói hay Đừng là...".

Ông Phan Minh, người bạn tù Côn Đảo đã cùng nhà báo Ba Thợ Tiện trở về đất liền và nay hai người đã là thông gia.

Những câu chuyện về đời về nghề được nhiều thân hữu, bạn đọc quan tâm đã được chính tác giả Ba Thợ Tiện giải nghĩa cả trong sách và ngay buổi giao lưu. 

Bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc (bên phải) cùng nhà báo Ba Thợ Tiện tại buổi giao lưu

Trước khi trở thành nhà báo nổi tiếng với bút danh Ba Thợ Tiện, ông đã là một nhà thơ nổi tiếng và năm 1969 ông đoạt giải nhất Giải thưởng Văn học của chế độ cũ với tập thơ Tình biển nghĩa sông  khi khoác áo là một tu sĩ. Năm 1973 đầu 1974, ông bị bắt đày ra Côn Đảo cho đến khi Côn Đảo giải phóng 1-5-1975.

Nhà báo, nhà văn Ba Thợ Tiện tại buổi ra mắt Tự truyện

Nói về nghiệp thơ: "Tôi làm thơ là phương tiện và chủ yếu để... tán gái. Và cái may lớn nhất cuộc đời tôi là có một mối tình đầu và là người vợ duy nhất cho đến tận bây giờ"- ông chia sẻ.

Đông đảo thân hữu, bạn đọc tham gia buổi ra mắt tự truyện

Cuốn tự truyện "Sâu thẳm buồn vui" là một tự truyện về khoảng ký ức của Hoàng Ngọc Châu trong những năm tháng nhiều biến động của đất nước. 

Từ miền Trung, Hoàng Thoại Châu trốn nạn bắt lính và chạy vào Sài Gòn. Để qua mắt cảnh sát, ông tìm đến thiền môn, khoác áo nâu sồng và duyên nghiệp đẩy ông đến với nghề y rồi nghề báo sau này.

Nghề báo cũng như cuộc đời ông cũng có những vui buồn, hoặc bước ngoặc bất ngờ, nhưng trên tất cả, Sâu thẳm buồn vui cho ta một lý giải: sống cống hiến sẽ đem lại những niềm vui giản dị cho cuộc đời mỗi cá nhân. 

Tập sách hơn 300 trang này còn là dịp để bạn đọc thấy lại những người mẹ miền Trung tảo tần, các vị cao tăng của Phật giáo Sài Gòn, số phận của những con người Việt Nam bình dị trong bối cảnh loạn lạc chiến tranh 1968.

Ba Thợ Tiện tên thật Huỳnh Tiên. Sinh năm 1942 nhưng vì đến năm 12 tuổi mà chưa đi học nên được thầy giáo Nguyễn Văn Long, người cùng quê tại Quảng Nam cho học lớp 3 và khai sinh thành năm 1947.

40 năm cầm bút ông đã có 7 tác phẩm như tập thơ: Áo trắng ngày xưa (1968), Tình biển nghĩa sông I (1969), Tình biển nghĩa sông II (1972) và tập truyện viết chung: Những trái tim hồng (1973), biếm luận: Thả cửa (1992). Sắp xuất bản Thương hoài một nửa (trường ca).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới