QUỐC HỘI CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TT&TT TRƯƠNG MINH TUẤN

‘Bác Google, chú Facebook’ làm sai thì phải xử

Ngày 17-11, vấn đề mạng xã hội (MXH) Facebook, YouTube tràn ngập thông tin tiêu cực, lấn lướt mặt trận thông tin báo chí đã làm nóng nghị trường Quốc hội với nhiều tranh luận giữa đại biểu (ĐB) Quốc hội với Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn. Đặc biệt việc Facebook, YouTube kinh doanh lãi hàng trăm triệu USD (năm 2016) nhưng không đóng đồng thuế nào cho Việt Nam đã được làm nổi bật tại nghị trường…

Gỡ bỏ 5.000 clip độc hại

Hàng loạt ĐB tỏ ra đặc biệt lo ngại với khía cạnh tiêu cực từ MXH. ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) hỏi: “Hiện có nhiều thông tin sai sự thật, giả mạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức và cá nhân; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lan tràn trên MXH. Giải pháp ngăn chặn thế nào?”. ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng đặt vấn đề: “Có hay không tình trạng thông tin trên MXH đang lấn át thông tin từ báo chí chính thống?”.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận bên cạnh yếu tố tích cực thì Internet và MXH đã có tác hại không nhỏ. “Ta phải coi MXH là công cụ, phương tiện cho người dùng. Nó như một con đường chúng ta đi, trên đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp. Đừng coi việc sử dụng MXH là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng MXH như thế nào” - ông Tuấn nói và cho biết hiện “ném đá” nhau, nói xấu nhau, chì chiết nhau trên MXH đang là vấn đề nhức nhối. “Thậm chí từ năm 2014 đến nay, ít nhất có 5-6 trường hợp tự tử vì nội dung bôi xấu trên MXH...” - ông Tuấn báo động.

Trước thực tế này, Bộ TT&TT đã phối hợp với nhiều cơ quan nhằm xử lý các sai phạm, giảm thông tin xấu, tăng thông tin tích cực, nâng cao ý thức người dùng... “Đặc biệt, chúng tôi cũng đã tác động gỡ bỏ 5.000 clip trên mạng YouTube có nội dung xấu, phản cảm, sai sự thật” - ông Tuấn nói.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Năm 2016, Facebook, Google hoạt động tại Việt Nam thu lãi hơn 100 triệu USD nhưng Nhà nước không thu được đồng thuế nào”. Ảnh: TP

Ông Tuấn cũng nhìn nhận báo chí hiện nay đang có tình trạng bị MXH dẫn dắt và cho rằng “phải làm thế nào đó chính báo chí phải là hạt nhân dẫn dắt, định hướng những thông tin đúng trên MXH”.

ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) giơ biển tranh luận: “Bộ trưởng nói MXH hiện nay đang áp đảo, không biết là áp đảo cái gì, áp đảo dư luận xã hội hay áp đảo báo chí cách mạng? Nếu quả thực như thế thì đúng là chủ quyền về mặt trận “4T” (thông tin truyền thông - PV) này phải xem lại”. ĐB Kim cũng cho rằng khi “bác Google, chú Facebook” làm sai thì Bộ TT&TT với trách nhiệm quản lý phải xử lý chứ không thể chỉ “trách móc, vỗ vai”.

Bộ trưởng Tuấn đáp lại: “Tôi có trả lời là nói như vậy là gần đúng vì tốc độ truyền thông tin trên MXH nhanh chóng, nhanh chóng áp đảo nhưng đa số người dân vẫn tin thông tin trung thực của báo chí hơn là tin truyền trên MXH. Việc này tôi đã trả lời rồi”.

Riêng đối với tranh luận của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về việc “Liệu có tạo được “hệ sinh thái” nào để thay thế Google và Facebook hay không?”, ông Tuấn trả lời: “Nếu chúng ta phát triển Zalo hoặc các nhà mạng khác tốt hơn thì ta có thể thay thế, nhưng ở đây tôi không đặt vấn đề không sử dụng hai nhà mạng đó. Những mạng này người dùng có thể thay thế khi không dùng Facebook, Google chứ không đặt vấn đề Google, Facebook không hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam”.

Không thu được đồng thuế nào!

Tiếp phần trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội về MXH, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu ra con số làm nghị trường “chấn động”. Đó là năm 2016, Facebook, Google hoạt động tại Việt Nam thu lãi hơn 100 triệu USD nhưng Nhà nước không thu được đồng thuế nào. Ông Tuấn cho hay Việt Nam chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Google, Facebook.

“Năm 2016 các nhà dịch vụ này thu được rất lớn, khoảng 100 triệu USD nhưng không đóng một đồng tiền thuế nào. Cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin trên MXH hiện còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Thời gian tới Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… để có chính sách quản lý kinh doanh và nộp thuế đối với các nhà mạng này. Không có lý do gì anh hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có nguồn thu rất lớn mà lại không nộp thuế” - ông Tuấn nói.

Giải trình thêm về nội dung báo chí và MXH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay tinh thần chung là Việt Nam tạo điều kiện phát triển nhưng phải hoạt động đúng pháp luật của Việt Nam, không vi phạm cam kết của thế giới. Đối với nguồn thu từ quảng cáo của Facebook, MXH, ông khẳng định “chúng ta phải có thay đổi” để xử lý vấn đề này.

“Thủ tướng có nói với tôi rằng cần báo cáo Quốc hội, Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT và các bộ, ngành có thái độ rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam, cam kết quốc tế” - ông nhấn mạnh.

Một năm, thu hồi hơn 30 triệu SIM rác

Trả lời câu hỏi của các ĐB Quốc hội về vấn đề quản lý, xử lý SIM rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này. “Trong một năm chúng tôi đã thu hồi trên 30 triệu SIM kích hoạt sẵn nên lượng SIM rác và tin nhắn rác đã giảm rõ ràng nhưng cũng chưa hết được. Chúng ta có 93 triệu dân nhưng có tới 130 triệu SIM, do đó lượng SIM rác còn rất nhiều” - Bộ trưởng Tuấn cho hay.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) tranh luận lại: “Bộ trưởng trả lời vừa rồi, tôi thấy chưa thỏa đáng khi SIM rác không phải từ trên trời rơi xuống, chính là những doanh nghiệp viễn thông trong đó có hai doanh nghiệp rất lớn của Bộ sản xuất và tung ra thị trường. Vậy thì có rơi vào trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi khi Bộ thì xử phạt, cơ quan doanh nghiệp Bộ quản lý lại sản xuất ra, lúc đó ngăn chặn nó thế nào?”.

Đáp lại, Bộ trưởng Tuấn nói trong việc thực thi pháp luật nói chung, trong quản lý SIM nói riêng, tất cả doanh nghiệp viễn thông đều phải tuân thủ, không kể doanh nghiệp thuộc Bộ hay ngoài Bộ. Thực tế, Bộ TT&TT đã có nhiều quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với tất cả doanh nghiệp viễn thông trong quản lý thông tin thuê bao, trong đó có cả VNPT và MobiFone.

Ba câu hỏi về thương vụ MobiFone mua AVG

“Chất vấn của tôi chỉ liên quan đến một vấn đề với ba câu hỏi ngắn, gọn và tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời rành mạch, cụ thể từng câu” - ĐB Lê Thanh Vân mở đầu phần chất vấn của mình với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG. 

“Từ nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà MobiFone đã dùng vốn chủ sở hữu nhà nước để mua AVG? Giá trị đích thực của thương vụ này là bao nhiêu? Từ ngày được MobiFone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra hay không?” - ĐB Lê Thanh Vân chất vấn. 

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết thương vụ MobiFone mua AVG đang được thanh tra, khi nào có kết quả thì sẽ báo cáo ĐB sau. Tuy nhiên, sau đó ĐB Trương Trọng Nghĩa tiếp tục đặt vấn đề: “Vì thông tin liên quan đến AVG rất bức xúc, chúng tôi rất mong sớm có thông tin cho cử tri”.

Trả lời các chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết liên quan đến việc MobiFone mua cổ phần của AVG, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án này từ tháng 9-2016 đến nay. Quá trình xây dựng kết luận thanh tra, Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt nhằm sớm đi đến kết luận cuối cùng, bảo đảm chính xác, đúng quy định của pháp luật, bảo toàn được giá trị của doanh nghiệp (DN), quyền lợi của người lao động và duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định của một DN nhà nước lớn trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa DN.

“Thời gian thanh tra, Bộ TT&TT đã có văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra, đến nay chúng tôi chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình. Theo quy định của Luật Thanh tra, khi chưa có kết luận thì chúng tôi cũng chưa có cơ sở để thông tin về nội dung này” - Bộ trưởng Tuấn cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới