Báo Inquirer đưa tin Philippines và Trung Quốc ngày 21-5 đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tổ chức các cuộc đối thoại về tranh chấp ở Biển Đông nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực.
Động thái trên được đưa ra trong cuộc họp lần thứ sáu của cơ chế tham vấn song phương (BCM) về Biển Đông được tổ chức trực tuyến hôm 21-5, với phía Trung Quốc do Thứ trưởng Ngoại giao Ngô Giang Hạo và phía Philippines do Thứ trưởng Ngoại giao Elizabeth Buensuceso dẫn đầu.
Phía Philippines còn có các quan chức của Cục Ngư nghiệp Philippines (BFAR), Bộ Môi trường và Tài nguyên (DENR), Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Bộ Quốc phòng (DND), Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG), Bộ Tư pháp (DOJ) và các cơ quan khác.
Các tàu Trung Quốc hiện diện trái phép tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh: GMA
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã có sự “giao lưu hữu nghị và thẳng thắn” về tình hình và lo ngại liên quan vấn đề Biển Đông.
Trong tuyên bố hôm 22-5, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Cả hai bên đều nhận thức được tầm quan trọng của đối thoại trong việc xoa dịu căng thẳng và hiểu rõ quan điểm cũng như ý định của mỗi nước tại khu vực này”.
“Cả hai bên đều thừa nhận tầm quan trọng của việc giải quyết những khác biệt trong bầu không khí cởi mở và thân tình để mở đường cho các sáng kiến và hợp tác thiết thực” – tuyên bố nêu rõ.
Tuyên bố nêu thêm rằng: “Philippines nhắc lại lời kêu gọi lâu nay về việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng như cách diễn giải và áp dụng có thẩm quyền đối với Phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 – phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc”.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, trong cuộc hội đàm, một vấn đề khác cũng đã được hai bên trao đổi là tiến độ giải quyết cho ngư dân của tàu đánh cá Gem-Ver, vốn đã bị chìm sau khi va chạm với một tàu Trung Quốc hồi tháng 6-2019 gần bãi Cỏ Rong xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau khi thực hiện hành vi trên, tàu cá Trung Quốc đã bỏ đi, bỏ mặc các thuyền viên của tàu Gem-Ver trong tình huống nguy hiểm. Một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động gần đó đã phát hiện, giải cứu ngư dân Philippines, sau đó đã phối hợp với quân đội Philippines để đưa 22 người bị nạn về nơi an toàn.
“Trên tinh thần tích cực trong quan hệ song phương giữa hai nước, ba nhóm công tác của BCM (chính trị-an ninh, hợp tác nghề cá và bảo vệ môi trường biển/nghiên cứu khoa học biển) đã giải quyết các vấn đề chung và các lĩnh vực hợp tác có thể có” – Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.
Trước đó, hôm 20-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết các bên trong cuộc họp dự kiến sẽ trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay ở Biển Đông, các vấn đề hàng hải giữa hai nước, khai thác những cách mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực như nghiên cứu, cứu hộ trên biển và nghiên cứu khoa học.
BCM là diễn đàn song phương do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo năm 2016.
Diễn đàn trên được tổ chức trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh và Manila thời gian qua căng thẳng về vấn đề Biển Đông, sau khi lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Philippines (Biển Tây Philippines là cách Manila gọi phía đông Biển Đông) hồi tháng 3 cho biết đã phát hiện hơn 200 tàu Trung Quốc hiện diện (trái phép) tại đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Liên quan tranh chấp tại Biển Đông, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã thục giục Tổng thống Duterte nêu lại phán quyết về Biển Đông năm 2016, vốn vô hiệu hóa yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Duterte nhắc lại rằng việc nêu lại phán quyết sẽ chỉ dẫn đến xung đột với Trung Quốc.