Bác sĩ gia đình sẽ đến từng khu phố

Tại hội nghị xây dựng kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM vào ngày 4-3, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết theo lộ trình đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành triển khai BSGĐ. Chức năng của phòng khám BSGĐ là cung cấp, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh thông thường theo nguyên lý y học gia đình, tức theo dõi sức khỏe bệnh nhân suốt đời, tư vấn phòng ngừa bệnh và chuyển tuyến theo đúng quy định.

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm 2016 ngành y tế TP sẽ triển khai phòng khám BSGĐ tại 319 trạm y tế phường, xã (hiện đã có ở 136 phường, xã, có hai phòng khám BSGĐ thuộc phòng khám đa khoa tư nhân và hai phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập). Năm 2017, ở các phường, xã đông dân cư sẽ triển khai tiếp BSGĐ tại các khu phố, không triển khai tại các bệnh viện (BV) tư nhân.

Theo PGS-TS Bỉnh, lãnh đạo TP các thời kỳ rất tâm đắc với BSGĐ và đã chỉ đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch kết hợp với một trường ĐH nước Bỉ triển khai hai dự án đào tạo nguồn lực và thành lập khoa Y học BSGĐ. đặc biệt đã có hai tiến sĩ được đào tạo từ Bỉ và nhiều thạc sĩ khác làm nòng cốt đào tạo chuyên khoa, định hướng BSGĐ cho TP. Đến nay TP đã cấp chứng chỉ hành nghề chính quy cho 427 BS.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm phòng khám y học gia đình BV quận 2. Ảnh: TÙNG SƠN

Về cơ sở vật chất, TP đã triển khai song song với BHYT tại phường, xã, hướng đến triển khai hai BS cho mỗi phường, xã: Một BS thực hiện các chương trình quốc gia và một BS làm nhiệm vụ khám y học gia đình. Từ tư vấn về phòng bệnh, chăm sóc ban đầu, khi cần chuyển viện thì chuyển đúng tuyến lên quận, trong đó một số BV tuyến quận có thể bao phủ 99% bệnh nhân.

Giai đoạn đầu đào tạo định hướng chuyên khoa, sau đó là đào tạo chuyên khoa đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng để tạo lòng tin cho bệnh nhân.

“Năm nay TP sẽ hoàn thành tất cả chỉ tiêu của Bộ Y tế. Năm 2020 TP sẽ hoàn chỉnh mô hình BSGĐ và trong nội ô TP chỉ giữ BV chuyên khoa, tăng chất lượng điều trị nội trú, những bệnh nhẹ ngoại trú thì điều trị tại BV tuyến quận, huyện. Còn những bệnh nhân ngoại trú khác và chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ do BSGĐ đảm nhận” - PGS-TS Bỉnh nói.

Chính quyền vào cuộc mới thành công

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cam kết tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai BSGĐ thành công và nhân rộng mô hình BSGĐ. Đây là giải pháp hết sức quan trọng để giảm tải cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Theo ông Thăng, đề án BSGĐ nêu mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 80% tỉnh, thành thành lập phòng khám BSGĐ. Nhưng đối với TP.HCM và Hà Nội, cần đưa vào mục tiêu bao nhiêu phần trăm người dân tham gia vào BSGĐ. Bên cạnh đó là đồng bộ các chính sách, điều kiện về đào tạo, cơ sở vật chất, chế độ...

ông Thăng cũng lưu ý là không thể triển khai mô hình BSGĐ thành công khi chỉ có các giám đốc Sở Y tế và ngành y tế tham gia mà cần có sự tham gia của các cấp ủy, địa phương. Bí thư Thăng đề nghị Bộ Y tế báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến quận, huyện và phường, xã vào cuộc thực hiện thì mới thành công. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng ý với ý kiến của lãnh đạo TP.HCM về việc đưa chỉ tiêu tỉ lệ người dân TP.HCM và Hà Nội tham gia BSGĐ vào kế hoạch thực hiện. Bà Tiến đề nghị các vụ, cục liên quan sửa Thông tư 16 về hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ.

Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ vật chất, trang thiết bị, đào tạo cho những cơ sở đăng ký triển khai thí điểm mô hình BSGĐ. Hai tuần sau, Bộ Y tế dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, đến năm 2020 sẽ đào tạo được ít nhất 9.000 BS định hướng y học gia đình trở lên (80% BS tham gia khám, chữa bệnh tại phường, xã); hằng năm tổ chức các khóa đào tạo về y học gia đình như định hướng, BS chuyên khoa I, chuyên khoa II và thạc sĩ y học gia đình. Đến năm 2020, 100% phòng khám BSGĐ ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới