Bác sĩ khuyến cáo nguy cơ bệnh tim mạch khi chơi thể thao

(PLO)- Chơi thể thao hợp lý vốn không gây ra bệnh tim mạch, nhưng chơi thể thao không phù hợp trong một số hoàn cảnh có thể khởi kích biến cố tim mạch, thậm chí đột tử.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân ĐĐN (nam, 59 tuổi, ngụ TP.HCM) đang tập nâng tạ tại phòng gym thì đột ngột lên cơn khó thở, tím tái, ngã gục, ngất, vã mồ hồi.

Vỡ tim, suýt đột tử khi chơi thể thao

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc rất chậm, tay chân lạnh, tím tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Bác sĩ hội chẩn khẩn và chuyển bệnh nhân vào khoa Phẫu thuật tim với chẩn đoán chèn ép tim cấp tràn máu màng ngoài tim, nghi sau nhồi máu cơ tim.

Sức khỏe bệnh nhân ngày càng nguy kịch, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực ngay trong phòng mổ vừa tiến hành mở ngực cấp cứu bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 3,5 tiếng. Những ngày nằm phòng hồi sức tim, dù bệnh nhân có cải thiện dần nhưng rơi vào tình trạng có cơn loạn thần và nói nhảm do thiếu máu não, phải dùng an thần liều cao.

Sau 7 ngày hồi sức tích cực, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, được rút nội khí quản, các dấu hiệu sinh tồn bình thường, không đau ngực. Bệnh nhân sẽ được chụp mạch vành để xác định chính xác vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

bệnh tim mạch - 1
Bệnh nhân có dấu hiệu bệnh tim mạch nhưng không biết, khi tập gym gắng sức đã xảy ra biến cố vỡ tim. Ảnh: BVCC

Khai thác tiền sử cho thấy trước nhập viện 5 ngày, bệnh nhân bị đau ngực, cơn đau kéo dài hơn 10 phút. Thời điểm đó có thể bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim. Khoảng thời gian từ đó đến lúc xảy ra sự việc đủ để làm cơ tim bị thiếu máu rồi hoại tử. Khi bệnh nhân có hoạt động gắng sức mạnh (nâng tạ) thì gây vỡ tim.

Trước đó không lâu, bệnh viện này cũng cấp cứu một bệnh nhân ngưng tim, suýt đột tử khi đang chơi thể thao. Bệnh nhân là VHH (nam, 39 tuổi) nhập viện trong tình trạng không bắt được mạch, huyết áp không đo được, nhịp nhanh thất liên tục.

Bác sĩ ngay lập tức xoa bóp tim ngoài lồng ngực kết hợp sốc điện không ngừng nghỉ trong 15 phút, 20 phút, rồi 30 phút… nhưng tim vẫn chưa đập trở lại. Ê-kíp trực tiếp tục hồi sức tim phổi. Sau 45 phút hồi sức với tổng cộng 10 lần sốc điện chuyển nhịp, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục tuần hoàn tự nhiên.

Dù đã hồi phục tuần hoàn tự nhiên nhưng bệnh nhân tụt huyết áp nặng, phải sử dụng cùng lúc nhiều thuốc vận mạch để đảm bảo huyết động, đồng thời diễn tiến phù phổi tổn thương do hồi sức tim phổi kéo dài.

Bệnh nhân được chuyển đến đơn vị Hồi sức tim mạch để vừa tiến hành hạ thân nhiệt (gấu ngủ đông) bảo vệ não, vừa can thiệp ôxy hoá máu màng ngoài cơ thể (ECMO). Bên cạnh tổn thương cơ tim nặng, bệnh nhân cũng có tổn thương hai phổi tiến triển, được can thiệp ECMO theo phương thức lai ghép V-AV ECMO để hỗ trợ tối ưu cho cả tim và phổi.

benh-tim-mach2.jpg
Bệnh nhân có bệnh tim mạch di truyền, khi tập thể thao quá sức gây suýt đột tử. Ảnh: BVCC

Sau 48 giờ can thiệp V-AV ECMO phối hợp hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục, bệnh nhân phục hồi tri giác hoàn toàn và được kết thúc ECMO sau 72 giờ, ngừng hỗ trợ thở máy xâm lấn sau 4 ngày và ra khỏi phòng hồi sức tích cực sau 6 ngày.

Kết quả xét nghiệm di truyền học ghi nhận bệnh nhân có đột biến gene MYPN - một loại gene mã hóa protein cấu thành đơn vị co cơ tim myopalladin. Đây là loại đột biến gene chiếm tỉ lệ <2% ở bệnh cơ tim giãn nở và được báo cáo là nguyên nhân gây đột tử trong vài ca lâm sàng theo y văn trên thế giới.

Dựa trên tiền sử có đột tử do rối loạn nhịp thất, kết hợp với bằng chứng đột biến gene, bệnh nhân được cấy máy phá rung (ICD) để phòng ngừa đột tử tái phát trong tương lai. Kết quả bất thường di truyền cũng là cơ sở để các bác sĩ tim mạch tiếp tục tầm soát bệnh tim mạch cho anh, chị, em ruột và con của bệnh nhân.

Nguyên nhân do đâu?

Bác sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch (Bệnh viện huyện Bình Chánh), chia sẻ tập luyện thể dục thể thao luôn là lời khuyên hàng đầu cho mọi người để phòng ngừa hoặc làm thuyên giảm, cải thiện các bệnh lý toàn thân nói chung và các bệnh tim mạch nói riêng.

Tuy nhiên, cần lưu ý mức độ, cường độ và loại hình tập luyện được khuyến cáo sẽ có sự khác nhau giữa từng người, từng hoàn cảnh, giai đoạn bệnh lý.

“Chúng ta cần hiểu rõ chơi thể thao một cách hợp lý vốn không gây ra bệnh tim mạch. Tuy nhiên, chơi thể thao không phù hợp trong một số hoàn cảnh có thể khởi kích biến cố của bệnh tim mạch, thậm chí đột tử do tim đã có bệnh lý tiềm ẩn hoặc bệnh lý đã được phát hiện” - bác sĩ lý giải.

Theo bác sĩ Tùng, đột tử do bệnh tim mạch khi chơi thể thao thường đi kèm với nguyên nhân về hội chứng vành cấp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu não diện rộng, xuất huyết não, vỡ phình động mạch chủ,…

Đối với những vận động viên trẻ thường do các nguyên nhân bệnh tim cấu trúc bẩm sinh hoặc bất thường về gene. Đối với những vận động viên trên 35 tuổi, hơn 80% đột tử do tim có liên quan đến bệnh lý xơ vữa động mạch. Ngoài ra, hoạt động gắng sức mạnh, quá mức sẽ làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột tử do tim...

Theo đó, bác sĩ Tùng cho rằng khám sức khỏe định kỳ là cần thiết để tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn, trong đó có các bệnh tim mạch.

“Khi chơi thể thao, nếu thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường như đau ngực, khó thở lúc gắng sức, trong khi ở mức độ tương tự trước đây không có dấu hiệu này, hoặc giảm khả năng gắng sức, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, tìm nguyên nhân. Đôi khi một số dấu hiệu chỉ thoáng qua vài phút, người bệnh hay bỏ qua, bệnh sẽ tích lũy dần tới một mức độ nào đó thì biến cố xảy ra” - bác sĩ Tùng chia sẻ.

Phòng ngừa biến cố tim mạch khi chơi thể thao

Để giảm thiểu các rủi ro về biến cố tim mạch khi chơi thể thao, nên tập luyện thể thao với cường độ thích hợp. Khi tăng cường độ tập luyện phải có kế hoạch, tránh tăng đột ngột mức độ mà cơ thể không thích nghi được.

Khi trạng thái cơ thể không tốt, đang mắc bệnh, hay có những triệu chứng lạ mới xuất hiện, cần nghỉ ngơi và đến các cơ sở y tế để thăm khám. Ngoài ra cần có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi phù hợp, để cơ thể hồi phục tốt sau chơi thể thao.

Đặc biệt, nên thăm khám sức khỏe định kì hằng năm để phát hiện sớm các bệnh tim mạch tiềm tàng. Nên kiểm soát tốt các bệnh lý nền nhưng huyết áp, đái tháo đường,… để có kế hoạch điều trị tốt các bệnh lý này.

Đối với bệnh nhân có tiền căn bệnh tim mạch, các bác sĩ có thể chỉ định các bài kiểm tra gắng sức để đánh giá mức độ gắng sức có thể thực hiện được. Từ đó có lời khuyên cho môn thể thao có thể chơi và mức độ tập luyện thích hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm