Trong livestream chia sẻ về chủ đề Chăm sóc và tự chăm sóc F0 tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Nguyên trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: trong số tất cả bệnh nhân, 95% không cần thở oxi, chỉ 5% bệnh nhân cần thở oxi là các đối tượng: người béo phì, người trên 65 tuổi và người có bệnh nền.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh đối với biến chủng virus corona hiện nay tại nước ta, 60 - 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 thường có các triệu chứng nặng (ho, sốt, đau họng, giảm vị giác) từ ngày 5 - 8 nhiễm bệnh (một số người là ngày thứ 3). Sau ngày thứ 8, lượng virus trong họng thấp và giảm dần đến ngày thứ 10. Trong vòng 10 ngày nhiễm, cơ thể của những bệnh nhân đó sẽ sinh kháng thể chống lại virus. Sau ngày thứ 10, virus không thể nhân đôi để phát triển, tự động triệt tiêu do cơ thể đã có kháng thể. "Do vậy, chiến lược điều trị hiện tại là người trẻ phải biết phòng ngừa để người lớn tuổi, người có bệnh nền, người béo phì không bị bệnh trong lúc chờ vacxin" - bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Ông cũng đưa ra 3 đối tượng F0 được điều trị tại nhà trong thời điểm hiện tại và tương lai:
1. F0 đã qua 10 ngày chữa trị tại bệnh viện, có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc lượng virus trong cơ thể rất thấp, ít hơn lượng nguy hiểm, được cho về nhà
2. F0 có sức khỏe tốt, được cách ly ở nhà hoặc khu vực dành riêng cho bệnh nhân nhẹ trong tương lai
3. F0 đang chờ được cơ quan y tế đưa đến bệnh viện
Với mỗi đối tượng, ông đưa ra mỗi cách thức chăm sóc và tự chăm sóc. Tuy nhiên, điểm chung của cả 3 đối tượng F0 khi được chăm sóc tại nhà là phải tập thở, ăn uống đủ chất, uống nhiều nước.
Cụ thể, với đối tượng F0 thứ nhất:
Sau khi về nhà, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe. Những bệnh nhân này có khả năng lây nhiễm thấp. Bệnh nhân tuyệt đối không được đi khỏi nhà, đảm bảo giãn cách 2 mét, đeo khẩu trang. Người thân tiếp tế đồ ăn bằng cách đặt đồ trên bàn, sau đó đi ra xa để người bệnh tới lấy. Nếu giặt đồ cho bệnh nhân, người nhà nên đeo găng tay, hoặc xả qua bằng nước nóng.
F0 ở trong phòng một mình không cần mang khẩu trang, nhưng phải lau chùi chỗ làm việc thường xuyên, tự theo dõi nhiệt độ, ngủ đủ giấc, ăn sạch, uống sạch, ăn đủ chất, uống nhiều nước và tập thể dục. Điều quan trọng nhất, người bệnh phải đảm bảo toilet sạch sẽ trước và sau khi đi vệ sinh để không lây nhiễm. Thông thường, ngày 14 hoặc 21, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm 1 lần nữa. Nếu có kết quả âm tính, bệnh nhân đã có kháng thể miễn dịch với virus. Bác sĩ Trương Hữu Khánh đánh giá trong thời gian sắp tới, số lượng bệnh nhân khỏi bệnh, có kháng thể sẽ khá nhiều.
Với đối tượng F0 thứ 2:
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết đây có thể là cách chữa trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ trong tương lai. Bác sĩ đưa ra lời khuyên bệnh nhân nên lạc quan nhưng không được lơ là. Lạc quan bởi đây là bệnh giống cảm cúm, là một loại bệnh mới, độc tính không nhiều. Bệnh nhân không được được lơ là để lây bệnh cho người khác. Họ nên tập thở để huy động phổi, ăn sạch uống sạch, có trách nhiệm với nơi mình cách ly bằng cách vệ sinh sạch sẽ.
Với đối tượng F0 thứ 3:
Với những bệnh nhân, gia đình đang chờ được cơ quan y tế đưa đến bệnh viện, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng khả năng cao là cả gia đình đều đã nhiễm bệnh. Vì vậy, mọi người phải chuẩn bị tâm lý chăm sóc F0 và tự chăm sóc bản thân. Bác sĩ nhấn mạnh, các F0 phải hết sức bình tĩnh, nhắc nhở nhau về thông tin có 60 - 80% bệnh nhân không có triệu chứng (như sốt, ho, đau họng,...), 95% bệnh nhân không cần thở oxi.
Trong trường hợp tất cả thành viên trong gia đình đều đã nhiễm COVID-19, mọi người phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, ăn sạch uống sạch, vệ sinh nơi ở, động viên nhau giữ trạng thái bình tĩnh và lạc quan.
Nếu trong gia đình có 1 người chưa nhiễm bệnh, người này phải đặc biệt chú ý tự giãn cách bản thân, đeo khẩu trang, tấm kính che giọt bắn, găng tay. Khi ở trong phòng, người chưa nhiễm bệnh cần mở cửa thoáng, thường xuyên dọn dẹp nơi làm việc, tránh việc virus tồn tại trên bề mặt, thường xuyên tập thể dục. Việc tiếp tế đồ ăn, giặt đồ được thực hiện như với đối tượng thứ nhất.
Các thành viên trong gia đình phải tập thở bằng cách hít vào thật chậm cho đến khi bụng căng lên, thở ra như thổi lửa cho đến khi bụng xẹp xuống. Việc tập thở phải diễn ra mỗi ngày một lần ở bất cứ thời điểm nào. Trong lúc luyện tập, mọi người phải chú ý nhịp thở, quan sát bụng có căng lên, xẹp xuống đúng như quá trình hít thở không. Việc tập trung vừa khiến con người không lo lắng, vừa huy động tất cả phế nang, cơ hoành trong cơ thể, giúp cơ thể hấp thụ được nhiều oxi nhất.
Trường hợp trong nhà có bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (béo phì, người hơn 65 tuổi, có bệnh nền), người nhà cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế. Bên cạnh đó, những thành viên khác trong gia đình cần chú ý để người đó ăn thức ăn lỏng, dễ ăn. Bởi nhiều trường hợp bệnh nhân mất vị giác nên ăn không ngon, khó ăn. Người nhà phải động viên bệnh nhân ăn đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước và tập thở. Nếu khó thở, bệnh nhân có thể cúi người xuống để tập thở. Nếu người bệnh choáng váng, tức ngực, khó thở, hãy tập thở bằng cách nằm sấp để chờ cơ quan y tế tới. Đây là tư thế huy động tất cả phế nang sau lưng để thở.
Trả lời câu hỏi của người xem livestream về việc F0 uống thuốc gì khi tự chăm sóc tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: Người bệnh uống những loại thuốc giống như thuốc chữa cảm cúm: paracetamol (có tác dụng giảm đau, hạ sốt), thuốc ho, thuốc tiêu chảy, bù nước. Người bệnh không tự uống những loại thuốc đặc biệt khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Về thông tin xông hơi bằng sả, chanh, gừng, tinh dầu sả chanh có chữa bệnh COVID-19 hay không, bác sĩ nhấn mạnh việc xông hơi giúp làm sạch cuống họng nhưng không chữa khỏi bệnh. Đặc biệt, nếu đang sốt, người bệnh không nên xông vì sẽ dẫn đến việc sốt cao hơn. Hết sốt, người bệnh có thể xông với điều kiện sử dụng nước sạch, lá sạch, tinh dầu sạch.