Ngày 4-12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xử vụ thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường làm chết khách hàng và phi tang xác gây chấn động dư luận thời gian qua. Bị cáo đầu vụ - cựu BS Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về hai tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Bị cáo Đào Quang Khánh (nhân viên giữ xe của TMV Cát Tường) bị truy tố về hai tội trộm cắp tài sản và xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Quyết liệt chối tội
Trước tòa, Nguyễn Mạnh Tường cho rằng “VKS truy tố không đúng” và lập luận: Kết luận giám định tử thi đã khẳng định không đủ cơ sở xác định nguyên nhân chết của nạn nhân.
Tường khẳng định quy trình và phương pháp “hút mỡ bụng, nâng ngực” mà mình làm là đúng. Khi Tường rời khỏi TMV, chị Lê Thị Thanh Huyền vẫn trong tình trạng ổn định. Khi bị cáo quay về thì chị Huyền đã chết, bị cáo chỉ cố gắng cấp cứu. “Bị cáo không rõ có phải nguyên nhân chết do lỗi y tế hay do những bệnh lý từ trước, hay do chăm sóc gây chết. VKS căn cứ vào đâu để kết luận bị cáo gây nên cái chết của chị Huyền?” - Tường bắt bẻ.
“Sở Y tế TP Hà Nội đã có công văn kết luận bị cáo pha thuốc không đúng liều lượng cho phép” - đại diện VKS chất vấn. Tường đáp: “Bị cáo pha năm chai thuốc gây tê là để dự phòng, thực tế chỉ dùng 3,5 chai, đó là mức cho phép. Kết luận bị cáo quá liều lượng 1,5 lần là không đúng”.
Hai bị cáo Tường (đứng) và Khánh tại phiên tòa. Ảnh: Đ.MINH
Luật sư của gia đình chị Huyền sau đó đã trích nội dung công văn của Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định người có chứng chỉ phẫu thuật tạo hình không được thực hiện các kỹ thuật hút mỡ bụng, nâng ngực. Tường phản bác: “Công văn này không đúng. Phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) chỉ là một chuyên ngành trong phẫu thuật tạo hình. Chứng chỉ PTTM Việt Nam không đào tạo riêng, thế giới cũng vậy, chỉ đào tạo phẫu thuật tạo hình”.
Luật sư của gia đình chị Huyền trích dẫn tiếp công văn trên: “Người được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa PTTM thì được thực hiện các kỹ thuật hút mỡ bụng, nâng ngực tại bệnh viện có chuyên khoa PTTM hoặc bệnh viện đa khoa có khoa PTTM…”. Tường lại biện hộ là thời điểm xảy ra vụ việc chỉ cấm “phẫu thuật hút mỡ”, công văn luật sư viện dẫn là có sau này nên không có giá trị để kết tội bị cáo.
Trước sau Tường chỉ thừa nhận việc phi tang xác nạn nhân là sai.
Đổ cho nhân viên xúi phi tang xác
Tại tòa, các nhân chứng đều khai khi Tường không có mặt tại TMV, y tá đã nhiều lần gọi điện thoại cho Tường báo việc chị Huyền có các biểu hiện bất thường như tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Tường khai đã chỉ đạo các y tá tiêm cho chị Huyền hai ống thuốc trợ tim và hai ống thuốc chống dị ứng, đồng thời cho thở ôxy và “đưa chị Huyền lên taxi đến bệnh viện rồi anh về”. Phó giám đốc TMV Cát Tường là Nguyễn Thị Thúy Mai tuy đã gọi taxi đến nhưng nghe Tường nói “anh sắp về đến nơi rồi” nên không đưa chị Huyền ra xe mà chờ Tường về. Tới khi cựu bác sĩ về đến nơi thì nạn nhân đã ngừng thở, không đo được nhịp tim.
Tòa hỏi: “Tại sao không báo cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân?”. Tường đáp: “Nếu để xác tại TMV, có thể gia đình nạn nhân sẽ đến quấy nhiễu nên mới định đưa vào bệnh viện rồi dự định sẽ báo cho gia đình nạn nhân”. Giải thích vì sao không đưa nạn nhân vào BV Bạch Mai ngay gần đó, Tường nói: “Vì ở đó rất đông”.
Bị cáo khai đã lái ô tô chở xác chị Huyền đến BV Bưu điện, mục đích là đến đó rồi gọi người nhà nạn nhân đến thương lượng chứ chị Huyền chết rồi không cứu được nữa. Bị cáo đã đưa xác vào tận cổng nhưng ở đó cũng có rất nhiều người nên bị cáo quay ra. Đi lòng vòng chừng 12 phút quay lại vẫn thấy đông nên bị cáo lái xe đi tiếp.
“Ai là người quyết định vứt xác chị Huyền?” - tòa hỏi. “Lúc trên ô tô, Khánh nói bệnh viện đông quá không mang vào được hay mang xác phi tang nhưng bị cáo nói không được. Bị cáo lúc đó không nghĩ được gì cả vì lúc đó quá hoảng loạn. Đến đoạn cầu Vĩnh Tuy, bị cáo mới quyết định sẽ phi tang xác” - Tường trả lời.
Nhân viên: “Anh Tường đề xuất vứt xác”
Tòa sau đó thẩm vấn Đào Quang Khánh (mới chỉ học hết lớp 6, đến thời điểm ra tòa vẫn chưa đủ 18 tuổi). Khánh khai Tường nhờ Khánh đưa chị Huyền đến BV Bưu điện, lúc đó Khánh biết chị Huyền đã chết. “Bị cáo làm thế để thể hiện bị cáo trung thành với chủ, để sau này anh ấy đối tốt với bị cáo hơn. Anh Tường hứa sẽ tăng lương gấp đôi cho bị cáo vào tháng sau” - Khánh nói.
Đáng chú ý, Khánh đã thay đổi lời khai tại tòa khi khẳng định Tường là người đề xuất việc vứt xác. Trả lời câu hỏi của luật sư, Khánh khai quá trình lấy cung không bị mớm cung, ép cung nhưng khi bị cáo thay đổi lời khai thì có bị điều tra viên dọa, bắt phải khai khớp với những bản cung trước đó.
Tòa hỏi: “Vì sao bị cáo lấy điện thoại của chị Huyền?”. Khánh thật thà đáp: “Sau sự việc, bị cáo hỏi một anh ở TMV rằng liệu Cát Tường có bị đóng cửa không? Bị cáo lo lắng mất công đi làm cả tháng rồi thì lương ai trả. Anh ấy xúi bị cáo lấy được gì thì lấy” (!).
Cuối giờ xét hỏi buổi chiều, luật sư của gia đình chị Huyền đề cập tới lời khai của Khánh tại cơ quan điều tra rằng khi sự việc xảy ra, một nhóm người của TMV Cát Tường đã ngồi thảo luận về việc “xử lý” xác chị Huyền thế nào. Có ý kiến bàn cho xe máy của chị Huyền đổ dưới đường, tạo vết xước để làm giả vụ tai nạn giao thông rồi đưa chị Huyền vào bệnh viện. Khánh khai bị cáo đã mang xe đi cố làm cho xe xước nhưng do có hai thanh chắn inox hai bên xe nên kế hoạch này không thành. Tuy nhiên, một nhân chứng tên Công (nhân viên TMV) phủ nhận không có việc này.
Hôm nay tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Gia đình nạn nhân đòi bồi thường hơn 1,3 tỉ đồng Tại tòa, gia đình chị Huyền yêu cầu Tường bồi thường hơn 1,3 tỉ đồng. Hiện gia đình đã nhận của Tường hơn 200 triệu đồng và cũng đã được CQĐT trả lại 50 triệu đồng tiền chị Huyền đặt cọc PTTM. Tòa hỏi Tường có ý kiến gì về số tiền đòi bồi thường này không, Tường đáp: “Tôi không thể đồng ý được vì tôi không biết chi phí thực tế thế nào”. Tường đề nghị HĐXX xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. |