Bác sĩ Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng về phòng chống mù lòa năm 2024

(PLO)- Hơn 30 năm công tác, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định đã đặt nền móng phát triển mạng lưới chăm sóc mắt cộng đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thầy thuốc ưu tú, BS Nguyễn Thanh Triết (Bình Định) là nhà nhãn khoa Việt Nam duy nhất cùng với 20 nhà nhãn khoa xuất sắc được trao Giải thưởng Cống hiến xuất sắc về phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 39 tại Indonesia vào ngày 24-2.

mắt
BS Nguyễn Thanh Triết nhận Giải thưởng Cống hiến xuất sắc về phòng chống mù lòa châu Á -Thái Bình Dương năm 2024. Ảnh NVCC

Những điều đầu tiên về… mắt ở Bình Định

Theo Hội Nhãn khoa Việt Nam, BS Triết, Ủy viên thường trực Hội Nhãn khoa Việt Nam, là người đặt nền móng cho mạng lưới chăm sóc mắt cộng đồng ở Việt Nam. Điều này bắt đầu từ dự án chăm sóc mắt cộng đồng được Tổ chức Fred Hollow Foundation (FHF) triển khai tại Bình Định giai đoạn 2005 - 2012 với kinh phí trên 1 triệu USD.

“Đó là dự án lớn và đầu tiên về chăm sóc mắt cộng đồng của FHF tại Việt Nam” - BS Triết nói.

Theo BS Triết, giai đoạn năm 2000, mù lòa là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Thời điểm đó, mạng lưới chăm sóc mắt tỉnh Bình Định từ tỉnh tới huyện và xã gần như là con số không. Thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, cho nên công tác phòng chống mù, lòa ở Bình Định chưa được quan tâm.

bác sĩ triết chăm sóc mắt.jpg
BS Triết khám và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo ở Bình Định. Ảnh: THU DỊU

Từ năm 2005 đến năm 2012, với sự hỗ trợ của FHF, dưới sự dẫn dắt của BS Triết, Bình Định hình thành và phát triển mạng lưới chăm sóc mắt cộng đồng toàn diện.

Cụ thể, đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo lên tới hàng ngàn người; hệ thống máy móc, trang thiết bị chuyên khoa cho các tuyến được trang bị đầy đủ; số bệnh nhân được khám, điều trị tăng lên…; mù lòa ở Bình Định được cải thiện.

Hơn 100 ngàn bệnh nhân được khám mắt miễn phí, phẫu thuật cho hơn 67 ngàn bệnh nhân bị đục thủy tinh thể, góp phần hạ thấp tỉ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi ở Bình Định từ 4,5% (năm 2007) xuống còn 3,1% (năm 2022). Từ thành công của dự án tại Bình Định, FHF được nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước.

1 (1).jpg
BS Triết đồng hành với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Định phẫu thuật miễn phí bệnh đục thủy tinh thể. Ảnh: THU DỊU

Sau thành công của dự án chăm sóc mắt cộng đồng, năm 2016, BS Triết tiếp tục “xin” tài trợ của FHF cho dự án phát hiện và điều trị sớm bệnh võng mạc đái tháo đường - một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu và nguy cơ mù vĩnh viễn.

“Nói về góc độ chuyên môn, bệnh võng mạc đái tháo đường gây mù lòa hàng đầu, nếu không phát hiện kịp thời và điều trị thì sẽ bị mù vĩnh viễn. Đa số người bệnh thường không biết cho đến khi bệnh tiến triển nặng, không thể phục hồi ngay cả khi đã được điều trị. Ngoài chuyên môn, việc không thấy được ánh sáng còn khiến cho việc sinh hoạt, làm việc và vui chơi giải trí đều gặp khó khăn, mối lo về mù lòa đè nặng lên đời sống xã hội” - BS Triết nói

Theo Hội nhãn khoa Việt Nam, trong 10 năm qua, thông qua các sáng kiến, dự án và vận động của BS Triết, đã giúp tầm soát bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) cho hơn 3.000 trẻ sơ sinh, phát hiện gần 2.000 trẻ em bị bệnh mắt bẩm sinh, sàng lọc tật khúc xạ cho 300 ngàn học sinh và phẫu thuật mắt cho gần 1.000 trẻ em. Trong lĩnh quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường, 3.000 bệnh nhân được phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường và hơn 800 bệnh nhân bệnh được điều trị miễn phí...

Nỗ lực tìm ánh sáng cho mọi người

Với BS Triết, điều mà ông tâm đắc nhất, vui nhất đó là sau nhiều năm cố gắng và thực hiện, Bệnh viện Mắt Bình Định thành lập được Khoa Mắt trẻ em. Bệnh viện Mắt Bình Định hiện là một trong năm bệnh viện trong cả nước có khoa mắt chuyên sâu cho trẻ.

3.jpg
Điều mà ông thấy vui nhất là giúp nhiều người tìm được ánh sáng. Ảnh:NVCC

"Chăm sóc mắt trẻ em là lĩnh vực phức tạp, muốn phát triển trước tiên phải thực hiện tốt các dịch vụ chăm sóc mắt ở người lớn. Qua khảo sát, mỗi năm Bình Định có hàng trăm trẻ sinh non phải vào TP.HCM điều trị bệnh võng mạc, rất tốn kém. Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã viết dự án và mời Tổ chức quốc tế Orbis (Hoa Kỳ) đến Bình Định khảo sát thực tế, sau đó tài trợ phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2014-2020. Năm 2018, Khoa Mắt trẻ em của bệnh viện đã được thành lập" - BS Triết chia sẻ.

Theo BS Triết, việc điều trị phòng chống mù, lòa tốn rất nhiều kinh phí và nhân lực. Trong điều kiện về nhân lực và cả kinh phí của tỉnh Bình Định còn nhiều hạn chế, việc được các tổ chức tài trợ, hỗ trợ góp phần giúp những người bệnh giảm được gánh nặng.

Ngoài hoạt động chuyên môn, BS Triết tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, ông đã tổ chức hơn 200 khóa đào tạo về chăm sóc mắt ban đầu, sàng lọc tật khúc xạ, phát hiện bệnh lí mắt trẻ em, quản lý phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường tại cộng đồng với hơn 3.000 nhân viên y tế được đào tạo.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất của bệnh viện đang xuống cấp trầm trọng. Tôi cũng không đề nghị gì cho mình, chỉ mong tỉnh Bình Định quan tâm đầu tư phát triển Bệnh viện Mắt Bình Định để người bệnh được chăm sóc tốt hơn” - BS Triết, bộc bạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm