Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu vào ngày 24-2. Kể từ đó, Moscow đã "trình làng" ở Ukraine rất nhiều loại vũ khí với chức năng và sức công phá khác nhau, sử dụng chúng cho các cuộc tấn công trên bộ, trên biển và trên không nhắm vào lãnh thổ Kiev.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Iskander
Theo hãng tin Reuters, tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Iskander-M do Viện thiết kế chế tạo cơ khí Kolomna ở Moscow (Nga) phát triển nhằm thay thế cho các hệ thống tên lửa lạc hậu như Scud, SS-20 và Zoka. Những khẩu đội Iskander đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 2006.
Hệ thống tên lửa Iskander gồm: tên lửa, xe vận chuyển-nạp đạn, xe chỉ huy, xe xử lý tình báo, xe bảo dưỡng kỹ thuật, trang bị đồng bộ và khí tài huấn luyện mô hình. Mỗi hệ thống đều có vỏ bọc thép được làm chắc chắn để chống lại các mối nguy hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, cũng như nhiệt độ khắc nghiệt. Mỗi xe vận chuyển hai quả đạn và dự trữ hai quả, với khả năng bắn hết hai quả đạn chỉ trong một phút vào hai mục tiêu khác nhau. Hệ thống này có thể di chuyển trên địa hình với tốc độ lên đến 70 km/ giờ trong 1.100 km.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Iskander của Nga. Ảnh: TASS |
Tên lửa Iskander có ba phiên bản: phiên bản Iskander-E cho xuất khẩu, phiên bản Iskander-M đang được quân đội Nga sử dụng tại Ukraine và phiên bản Iskander-K đang thử nghiệm. Theo Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS), phiên bản Iskander-M dài 7,3 m với đường kính thân đoạn lớn nhất 0,95 m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380 kg, có thể bay trên độ cao 50 km (tách ra) và tầm bắn từ 50-480 km.
Tên lửa áp dụng công nghệ tàng hình và nhiều biện pháp kết cấu. Diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ, quỹ đạo bay phần lớn ở độ cao 50.000 m, nhờ đó làm giảm xác suất bị các vũ khí đánh chặn từ mặt đất và trên không. Ngoài ra, do Iskander sử dụng động cơ đẩy rocket nhiên liệu rắn, quỹ đạo bay thay đổi linh hoạt nên rất khó phán đoán.
Iskander-M được trang bị hệ thống tự động hóa chỉ huy và bảo đảm thông tin hiện đại. Khi tác chiến, xe xử lý tình báo tiếp nhận các thông tin trinh sát do vệ tinh, máy bay trinh sát hoặc máy bay không người lái cung cấp, tính toán các số liệu bay cho tên lửa, sau đó thông qua đường thông tin vô tuyến điện truyền đến xe chỉ huy, rồi từ xe chỉ huy truyền đến xe phóng.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, tên lửa Iskander vượt khá xa các sản phẩm cùng loại trên thị trường vũ khí thế giới về mặt hiệu quả chi phí. Chính vì vậy, tên lửa Iskander không chỉ là vũ khí răn đe của Nga mà còn là hệ vũ khí chiến lược, có thể làm thay đổi so sánh lực lượng trong khu vực.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Iskander của Nga. Ảnh: TASS |
Tên lửa hành trình 3M14 Kalibr
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) Kalibr hiện là một trong những vũ khí quan trọng nhất trong kho vũ khí của quân đội Nga. Mẫu tên lửa được triển khai ở Ukraine là phiên bản tấn công mặt đất 3M14, có tầm bắn ước tính từ 1.500 đến 2.500 km và mang được đầu đạn nặng hơn 400 kg.
Mẫu 3M14 được trang bị hệ thống định vị bằng vệ tinh GLONASS và dẫn đường quán tính, cùng đầu dò radar ARGS-14E có tầm hoạt động 20 km để bám bắt các mục tiêu có độ phản xạ radar lớn, cho phép các tàu chiến Nga trên Biển Đen tấn công mọi mục tiêu trên toàn lãnh thổ Ukraine.
Mẫu tên lửa hành trình 3M14 Kalibr của quân đội Nga. Ảnh: MILITARY WATCH MAGAZINE |
Tên lửa sử dụng hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình, cho phép bay bám sát mặt đất để giảm thiểu khả năng bị phát hiện, khiến đối phương có ít thời gian phản ứng hơn. Loại tên lửa này có thể triển khai từ ống phóng thẳng đứng trên tàu mặt nước hoặc khai hỏa qua ống ngư lôi của tàu ngầm.
Hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) BM-21
Một trong những loại vũ khí khác được Nga sử dụng tại Ukraine là pháo phản lực bắn loạt BM-21. BM-21 được đưa vào sử dụng từ năm 1963, dàn phóng có 40 ống phóng, phóng đạn cỡ 122 mm, kíp chiến đấu 4 người. Kíp chiến đấu có thể trú trong cabin để bắn hoặc đứng từ xa và điều khiển qua đường cáp dài tới 64 m.
Các ống phóng có thể phóng từng ống hoặc phóng đồng loạt. Đạn nạp bằng tay và phải mất khoảng 10 phút để lắp hết 40 ống phóng. Nhờ gắn vào xe tải hạng nặng nên BM-21 khá cơ động trong truy đuổi mục tiêu và tránh bị bắn trả.
Pháo BM-21 phát huy hiệu quả tốt trong việc bắn phá các mục tiêu trên diện rộng. Một tiểu đoàn pháo phản lực trang bị toàn BM-21 có thể đồng loạt bắn tới 720 quả đạn trong vòng 20 giây vào các mục tiêu trên một khu vực rộng, rất hữu hiệu để công kích đội hình bộ binh, các doanh trại đóng quân, điểm tập kết xe tăng và xe thiết giáp, tiêu diệt trận địa pháo, trận địa tên lửa và phá hủy hệ thống hầm hào bán kiên cố. Tuy nhiên, BM-21 không phát huy hiệu quả nếu bắn mục tiêu nhỏ như lô cốt, xe tăng đỗ riêng lẻ.
Đoàn xe chở hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-21 của quân đội Nga ở Ukraine. Ảnh: GEOPOLITIKI |
Các phiên bản BM-21 đầu tiên có tầm bắn khoảng 20 km. Đến cuối thập niên 1980, với việc cải tiến đạn rocket, BM-21 có thể đạt cự ly bắn tới 40 km. Tới thập niên 2010, việc cải tiến đạn rocket đã cho phép tầm bắn tăng tới 52 km thậm chí là 100 km.
Pháo phản lực BM-27 Uragan
BM-27 Uragan (còn được gọi là Grau 9P140) bắt đầu được trang bị cho Lục quân Liên Xô vào cuối thập niên 1970. BM-27 Uragan là loại pháo hiện đại đầu tiên của Liên Xô sử dụng đạn ổn định bằng cánh và trục xoay.
BM-27 Uragan là hệ thống pháo phản lực phóng loạt nặng 20 tấn, sử dụng đạn rocket 220 mm, trọng lượng 280,4 kg với đầu đạn 90-100 kg tùy loại. Mỗi xe phóng mang theo 16 ống phóng rocket, tầm bắn hiệu quả 35 km, tầm bắn tối đa 38 km. Tùy nhiệm vụ chiến đấu mà BM-27 Uragan có thể phóng rocket mang đầu đạn cháy, đầu đạn chống tăng hoặc đầu đạn chuyên diệt bộ binh.
Hệ thống BM-27 Uragan chỉ mất vài phút để vào vị trí khai hỏa, có thể bắn chậm từng phát một hoặc phóng toàn bộ 16 đạn rocket theo loạt chỉ trong 20 giây. Với phạm vi sát thương lên đến 40 ha, sau mỗi đợt bắn, kíp lái nhanh chóng đưa xe phóng tới địa điểm khác để nạp đạn.
Hệ thống pháo phản lực BM-27 Uragan. Ảnh: YOUTUBE |
BM-27 Uragan còn đặc biệt hiệu quả trong nhiệm vụ rải mìn, ngăn chặn đối phương rút lui hoặc làm tiêu hao sinh lực đối phương. Mỗi quả đạn rocket chuyên dụng có thể phóng ra 312 quả mìn cỡ nhỏ.
Tên lửa Kh-47M Kinzhal
Theo đài CNBC, Kh-47M Kinzhal là loại tên lửa siêu thanh được Nga sử dụng ở Ukraine và là tổ hợp tên lửa mới nhất của nước này. Kinzhal, tiếng Nga có nghĩa là "dao găm", có chiều dài 8 m. Loại tên lửa này được phóng từ máy bay chiến đấu MiG với tầm bay từ 1.500-2.000 km, tốc độ Mach 10 (nhanh gấp 10 lần so với tốc độ âm thanh).
Sau khi được phóng từ máy bay, tên lửa Kinzhal tăng tốc lên 4.900 km/giờ (Mach 4) và có thể đạt tốc độ cực đại là 12.350 km/giờ (Mach 10). Tên lửa siêu vượt âm đời mới của Nga có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân, với tải trọng lên tới 480 kg.
Tên lửa siêu thanh Kh-47M Kinzhal gắn bên ngoài máy bay chiến đấu MiG. Ảnh: WIKIPEDIA |
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn nguồn từ quân đội Nga cho biết loại tên lửa siêu thanh này có thể đảm bảo vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiện có của các nước khác.
Vào năm 2018, ông Putin nói rằng những loại vũ khí này mang lại “lợi thế đáng kể cho Nga trong một cuộc xung đột vũ trang”. Ông nói thêm rằng “tốc độ của tên lửa Kinzhal khiến nó trở nên bất khả xâm phạm đối với các hệ thống phòng không và tên lửa hiện tại, vì tên lửa đánh chặn, nói một cách đơn giản, không đủ nhanh để đuổi kịp.
Tên lửa hành trình Kh-101
Theo đài truyền hình NDTV, Kh-101 là loại tên lửa đã được quân đội Nga sử dụng công kích căn cứ quân sự Yavorov ở miền tây Ukraine vào ngày 13-3, tiêu diệt 180 lính nước ngoài và phá hủy một lượng lớn vũ khí cất giấu ở đây.
Tên lửa hành trình Kh-101 được thiết kế nhằm thay thế phiên bản cũ hơn Kh-55. Kh-101 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1998, bắt đầu cuộc thử nghiệm đánh giá vào năm 2000. Những hình ảnh đầu tiên về tên lửa này xuất hiện vào năm 2007.
Tên lửa hành trình Kh-101 của Nga. Ảnh: SPUTNIK |
Ban đầu, Kh-101 chỉ được trang bị cho máy bay ném bom chiến lược Tu-160, nhưng từ năm 2016 bắt đầu triển khai cả trên máy bay Tu-95MS. Máy bay Tu-95MS có thể mang theo 8 tên lửa Kh-101, trong khi Tu-160 có thể mang tới 16 quả nhờ được gắn 8 giá treo bên ngoài.
Tên lửa Kh-101 dài 7,45 m, đường kính 0,5-1 m, sải cánh 3,1 m, khối lượng phóng 2,4 tấn và mang một đầu đạn nặng khoảng 400-450 kg (gồm các loại nổ mạnh, xuyên phá hoặc nổ chùm). Khi rời khỏi máy bay, quả đạn di chuyển ở độ cao 30-70 m so với mặt đất, tốc độ hành trình 700 km/giờ, tốc độ lao tới mục tiêu 970 km/giờ, tầm bắn khoảng 4.500 km. Thiết kế của Kh-101 giúp tên lửa rất khó bị các hệ thống cảnh giới mặt đất phát hiện.
Giống Kalibr, Kh-101 được nạp sẵn bản đồ điện tử để bay bám địa hình, cũng như hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và định vị toàn cầu GLONASS để hiệu chỉnh đường bay. Điều này cho phép Kh-101 đánh trúng mục tiêu cố định với độ chính xác 6-10 m. Nếu được lắp đầu dò quang-điện tử và ảnh nhiệt, nó có thể tấn công cả những mục tiêu cơ động. Ngoài ra, tên lửa Kh-101 có khả năng tái lập trình mục tiêu trong khi bay, giúp phi công cập nhật mục tiêu mới ngay cả khi tên lửa đã phóng đi.