Bài học cảm ơn từ nam sinh “chất” Hải Phòng

Trên đường đi học bằng xe đạp điện, một học sinh lớp 11 lỡ tông làm vỡ gương một ô tô. Vì không biết ai là chủ xe, em đã viết giấy dán vào ô tô: “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi chú! Liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ…”. PV hỏi lý do thì em tình thiệt: “Mình có lỗi, nếu không nhận lỗi thì cảm thấy áy náy lắm ”. Phía người chủ xe cũng cho biết là cảm thấy rất vui khi nhìn thấy tờ giấy đó và đã bảo em khỏi đền gì cả.

Một câu chuyện “cũng bình thường thôi mà” như lời em học sinh trên nhưng thật ngưỡng mộ cho cách cư xử tử tế của người phạm lỗi lẫn người bị thiệt hại.

Câu chuyện này xảy ra trùng với thời điểm Quốc hội đang thảo luận về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) mà theo đó lời xin lỗi và việc được khắc phục sự cố không hề “nhẹ tênh” cho phía bị hại.

Tại khoản 3 Điều 4, dự luật trên tiếp tục giữ nguyên nguyên tắc bồi thường hiện hành, đó là “Nhà nước chỉ bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường”. Tức các cơ quan làm oan, sai dù mười mươi có lỗi vẫn không phải có nghĩa vụ nhận lỗi và chủ động bồi thường. Tức người bị oan, sai dù đang rêm mình rêm mẩy với đủ thứ mất mát không gì bù đắp nổi vẫn phải có đơn yêu cầu, phải “đi xin” thì mới được xin lỗi và bồi thường.

Đối chiếu điều luật dự kiến này với câu chuyện của em học sinh lớp 11 sẽ thấy ngay quy định như vậy là không hợp đạo lý. Nói như đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) là: Quy định có yêu cầu mới bồi thường, không có yêu cầu thì không bồi thường là chưa thể hiện được sự thật tâm, thật lòng mong muốn bồi thường. Cũng theo đại biểu Thủy thì “cơ quan nhà nước đã làm oan, sai thì người dân có đòi bồi thường hay không là việc của họ. Còn việc xin lỗi là trách nhiệm của người đã gây ra oan, sai”.

Trước băn khoăn của các đại biểu về việc dự luật quy định “Nhà nước chỉ bồi thường khi có yêu cầu của người bị thiệt hại”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích (đại ý là): Luật trên điều chỉnh mối quan hệ hành chính nhưng xử lý theo nguyên tắc dân sự. Theo đó, người có quyền được bồi thường phải chủ động yêu cầu bồi thường, nếu không thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ không có căn cứ để bắt đầu giải quyết…

Cơ quan soạn thảo luật có thể có các căn cứ, lý lẽ để đưa ra những ràng buộc cụ thể đối với người bị oan, sai và đối với cơ quan, cá nhân đã gây oan, sai cho người khác. Thế nhưng thử đặt mình là những người từng bị bắt giam oan, kết án oan, rất dễ cảm nhận có gì đó thật vô lý và bất nhẫn trong việc họ phải cậy cục đòi những cán bộ đã gây oan, sai cho mình phải xin lỗi công khai và bồi thường. Liệu có ai đó đã hiểu sai nguyên lý “các quan hệ dân sự phải được dựa trên sự thỏa thuận và chứng minh nên bắt buộc phải có yêu cầu” khi sự thiện chí, biết hối lỗi và sẵn sàng phục hồi quyền lợi cho nạn nhân chính là cách tốt nhất để tránh được những dằng dai, xung đột? Với các cơ quan tố tụng gây oan, sai, vì sao không buộc họ chủ động xin lỗi, giải quyết bồi thường như họ đã từng chủ động cưỡng bức đưa người khác vào vòng tố tụng oan ức?

Chỉ một tờ giấy “nhận lỗi và muốn đền tiền”, em học sinh lớp 11 đã tạo được tình cảm và sự tha thứ ở người chủ chiếc ô tô bị em lỡ làm vỡ kính. Bài học về cách ứng xử này cần được những nhà làm luật lưu tâm để những người có quyền hạn đã gây ra oan, sai cho người khác biết cách khắc phục lỗi đúng đắn, văn minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm