Trước đó, trong một thống kê của Sở Nội vụ thì Cục Thuế TP.HCM đứng nhất nhì TP về số lượng thư xin lỗi người dân. Trong sáu tháng đầu năm, cục này đã gửi 4.000 lời xin lỗi!
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng quá nhiều lời xin lỗi khiến xin lỗi mang nặng tính hình thức. Vấn đề quan trọng là phải thay đổi, cải tiến để đừng chậm trễ, đừng xin lỗi nữa.
Cải tiến thế nào thì lại không dễ. Trong một giải trình của Cục Thuế cho rằng “Nguyên nhân trả lời vướng mắc của người nộp thuế bằng văn bản bị quá hạn là do vướng mắc về chính sách thuế phức tạp”.
Ngay cả cơ quan thuế mà còn thấy chính sách thuế phức tạp, không trả lời ngay được cho DN thì làm sao DN có thể hiểu được chính sách thuế!
Đại diện một DN sản xuất cho biết những quy định thuế không rõ ràng, DN không biết thực hiện, bèn nhờ cơ quan thuế hướng dẫn. Thế nhưng bản thân các cán bộ thuế cũng mỗi người một cách hiểu. Theo đại diện DN này, có những câu trả lời đơn thuần là trích nguyên văn nghị định, thông tư. Trong khi đó, đọc quy định không hiểu mới phải hỏi, mà lấy quy định để trả lời thì cũng như không!
Đã vậy, không phải cứ hỏi Cục Thuế là cục này trả lời được. Chậm trễ còn vì “phải tham khảo ý kiến của các phòng chức năng hoặc có văn bản xin ý kiến của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính”, cục này từng giải trình.
Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia thuế, cho rằng chậm trễ phải xin lỗi là cần thiết. Nhưng làm thế nào để những văn bản thuế trở nên rõ ràng hơn, ai đọc cũng hiểu. Với những thắc mắc thuế có nhiều cách hiểu, chưa hướng dẫn rõ thì Cục Thuế mới nên xin ý kiến.
Giải quyết tận gốc, đừng để quy định khó hiểu, tránh quy định chồng chéo mâu thuẫn, ban hành hướng dẫn đầy đủ và kịp thời... mới có thể giảm thắc mắc, giảm vướng mắc của DN. Điều này sẽ giúp cơ quan thuế đỡ phải vào tốp ngàn lời xin lỗi.