Xin lỗi chiếu lệ, người bị oan bật khóc

“Cơ quan nhà nước đã làm oan thì việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan là trách nhiệm nhà nước phải làm, không phụ thuộc người bị oan có yêu cầu hay không”.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã nhấn mạnh như trên tại phiên Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) vào chiều 11-11.

Xin lỗi oan phải thực tâm, chân thành

Trong bài phát biểu bảy phút của mình, bà Thủy cũng cho rằng: “Theo dự thảo, nếu người bị oan có yêu cầu bồi thường thì việc xin lỗi công khai mới diễn ra, nếu không yêu cầu sẽ không xin lỗi công khai. Cách đặt vấn đề như vậy chưa phù hợp” - bà Thủy nói và có đề xuất như đã nêu trên.

Ngoài ra, bà Thủy cũng chỉ ra: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xin lỗi hình thức như thời gian qua là do luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này. Thực tế có những trường hợp giam oan bốn năm nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ năm phút khiến người bị làm oan bật khóc ngay sau khi chủ tọa tuyên bố kết thúc buổi lễ”.

Bà Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng nhìn nhận Nhà nước làm sai với dân thì phải xin lỗi, xin lỗi là để sửa lỗi và có trách nhiệm hơn trong vai trò công bộc của dân. Bà Hoa cũng kiến nghị quy định rõ thủ tục xin lỗi trong luật, để bảo đảm việc phục hồi danh dự được tiến hành đúng pháp luật, công khai. Việc xin lỗi phải thực tâm, chân thành và cầu thị, góp phần xoa dịu nỗi khổ mà người bị oan sai phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Hồng Phúc đại diện TAND Tối cao tặng hoa và xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 17-4-2015. Ảnh: Đ.TRUNG

Phải có yêu cầu bồi thường oan

Theo dự thảo, có năm nhóm thiệt hại mà Nhà nước sẽ bồi thường cho người bị oan và vẫn theo nguyên tắc Nhà nước chỉ bồi thường khi người bị oan có yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Thủy cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp.

“Dự thảo quy định mỗi một ngày bị tù oan tính tương ứng với năm ngày lương cơ sở (khoảng 275.000 đồng); tử hình oan thì được tính tương ứng 360 tháng lương cơ sở… Đây là những thiệt hại nghiêm trọng nhất, trực tiếp nhất do việc làm oan gây ra. Đặt vấn đề như dự thảo, phải có yêu cầu mới bồi thường, là chưa thể hiện sự thực tâm, thực lòng mong muốn bù đắp cho người bị oan” - đại biểu Thủy nói.

Bà Thủy sau đó đề nghị đối với những thiệt hại quy định tại Điều 27 dự thảo, Nhà nước đương nhiên phải bồi thường cho người bị oan, không buộc họ phải có yêu cầu.

Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói việc xử lý quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong luật này theo nguyên tắc dân sự. “Đã là nguyên tắc dân sự, trong mọi trường hợp, người có quyền phải chủ động thực hiện quyền của mình. Phải yêu cầu, nếu không thì không có cái để bắt đầu” - ông Long nói.

Bổ sung quy định bồi thường thiệt hại đối với tổ chức

Đối với những thiệt hại về tinh thần, danh dự, sức khỏe, dự luật quy định phải có những chứng từ, giấy tờ chứng minh đó là cơ sở để xác định thiệt hại. Tôi thấy dự luật cũng có cơ chế là khi người bị oan không đủ giấy tờ, chứng từ chứng minh thiệt hại thì các cơ quan có thể xác minh thiệt hại bằng định giá.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là nếu xác định các thiệt hại về tinh thần thì chỉ nhắm đến cá nhân, còn không tính đến các tổ chức, đơn vị. Những thiệt hại về uy tín, thương hiệu… của một tổ chức, đơn vị có vẻ như chưa được tính đến. Dự thảo có nói đến các thiệt hại của tổ chức thì phải bổ sung những quy định cụ thể để xác minh, định giá những thiệt hại ấy.

Theo tôi, một chủ doanh nghiệp, nếu bị bắt, bị kết án oan thì sẽ kéo theo những thiệt hại của doanh nghiệp đó, bao gồm cả việc đình trệ sản xuất, thiệt hại về uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp ấy trên thương trường. Bởi vậy tôi cho rằng cần bổ sung thêm những quy định bồi thường thiệt hại đối với tổ chức.

Đại biểu PHAN THỊ BÌNH THUẬN,
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

CHÂN LUẬN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm