Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 1-6 đã phản ánh trường hợp ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ ấp 11, xã Tân Hào, Giồng Trôm, Bến Tre) được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên bố không phạm tội giết người từ năm 1988. Do thiếu hiểu biết pháp luật, mãi tới năm 2011 ông Hải mới nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Bến Tre (nơi xử sơ thẩm kết án oan ông 14 năm tù) xin lỗi, bồi thường thì bị tòa này từ chối với lý do đã hết thời hiệu theo luật định. Ông Hải hiện đã 60 tuổi, ốm yếu hom hem, chỉ mong có được lời xin lỗi công khai ngay tại nơi mình sinh sống bởi nhiều người vẫn đồn đãi rằng ông là kẻ giết người nhưng không được. Con cháu của ông đi làm cũng bị điều tiếng khiến ông phải dặn chúng phôtô bản án của ông để “có đi đâu, làm gì mà ai không hiểu mình, nghĩ không đúng thì đưa ra cho người ta xem”…
Từ vụ việc của ông Hải, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số chuyên gia cho rằng trong đợt sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lần này, nhà làm luật nên xem xét quy định cơ quan làm oan phải có trách nhiệm chủ động trong việc xin lỗi công khai và giải quyết bồi thường thiệt hại, đồng thời nên bỏ quy định về thời hiệu yêu cầu xin lỗi, bồi thường.
Phải chủ động chứ không cần đợi có đơn?
“Xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người bị oan là nghĩa vụ của cơ quan làm oan, họ phải chủ động làm chứ hà cớ gì phải chờ người bị oan có đơn yêu cầu mới làm? Tôi cho rằng việc này xuất phát từ đạo lý và pháp lý, nếu không chủ động sửa sai thì chẳng khác nào tách rời đạo lý ra khỏi pháp lý thông thường” - luật sư (LS) Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) nhận xét.
Theo LS Thiện, dự thảo sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên bỏ quy định người bị oan phải có đơn yêu cầu mới xem xét giải quyết vì nó không hợp lý, không kịp thời khắc phục những mất mát khó có thể đong đếm được của người bị oan. “Trước đây, khi còn là đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, tôi từng đề xuất vấn đề này và được chấp nhận đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh nhiệm 2011-2016 với nội dung cơ quan tố tụng phải chủ động xin lỗi, bồi thường cho người bị oan kể cả khi chưa có yêu cầu của họ. Chính vì thế khi Bình Thuận xảy ra vụ ông Huỳnh Văn Nén được minh oan, lãnh đạo TAND tỉnh đã chủ động hướng dẫn thủ tục cho ông Nén tiến hành các bước yêu cầu bồi thường oan. Cũng từ hành động này mà thời điểm đó dư luận đánh giá cao thái độ cầu thị của TAND tỉnh” - LS Thiện kể.
Đồng tình, một kiểm sát viên VKSND TP.HCM cũng cho rằng dự thảo sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần quy định trên nguyên tắc đã lỡ làm oan người vô tội thì phải chủ động khắc phục hậu quả và bồi thường. Bởi lẽ người bị oan đâu có muốn, đâu có tự nguyện, đâu có làm đơn xin “khởi tố, bắt, truy tố, xét xử tôi đi”. Họ bị các cơ quan tố tụng chủ động cưỡng bức đưa vào vòng oan ức đó chứ. Nay đã xác định là làm oan họ thì tại sao lại bắt họ phải nộp đơn yêu cầu rồi mới xem xét, sao không chủ động xin lỗi, giải quyết bồi thường như đã từng chủ động đưa họ vào vòng tố tụng?
Tuy nhiên, dưới góc nhìn pháp luật dân sự, TS Lê Minh Hùng (Trường ĐH Luật TP.HCM) đề nghị dự thảo chỉ nên quy định cơ quan làm oan phải chủ động giải thích, hướng dẫn cho người làm oan về quyền yêu cầu xin lỗi, bồi thường thôi chứ không nên buộc họ phải tự động xin lỗi, bồi thường. Nếu sau khi được giải thích, hướng dẫn mà người bị oan có yêu cầu thì cơ quan làm oan mới tiến hành, còn người bị oan không có yêu cầu thì thôi.
Vất vả mưu sinh, ông Nguyễn Thanh Hải vẫn mong chờ được cơ quan làm oan xin lỗi. Ảnh: PL
TS Hùng lý giải: Về bản chất, quan hệ xin lỗi, bồi thường thiệt hại do bị oan là quan hệ dân sự, hình thành sau quá trình tố tụng hình sự. Đã là dân sự thì phải tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận và chứng minh. Nếu vì một lý do nào đó người bị oan không muốn được xin lỗi hoặc bồi thường mà cơ quan làm oan cứ ép họ thì chẳng khác nào vi phạm thỏa thuận. Cạnh đó, để được bồi thường thiệt hại bằng một số tiền cụ thể nào đó thì người yêu cầu phải đảm bảo nghĩa vụ chứng minh. Nếu bắt buộc cơ quan làm oan bồi thường tiền mà không chứng minh được cơ sở của việc bồi thường thì vô hình trung lại gây thiệt hại cho Nhà nước.
TS Hùng đề xuất thêm là nên sửa quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng nếu cơ quan làm oan cố tình kéo dài việc bồi thường thì phải chịu tiền phạt.
Bỏ hẳn hay kéo dài thời gian yêu cầu?
Cạnh đó, theo LS Trần Công Ly Tao (Đoàn LS TP.HCM) và LS Phan Ngọc Nhàn (Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk), trong trường hợp dự thảo sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vẫn giữ quy định người bị oan phải có đơn yêu cầu thì nên bỏ hẳn quy định về thời hiệu như hiện nay.
Theo hai LS này, thật ra yêu cầu bồi thường về vật chất của người bị oan hầu hết đều không lớn (trừ những vụ đình đám như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén), chủ yếu là họ muốn được xin lỗi công khai. Người bị oan thường nghèo khổ, trình độ hạn chế, sau khi bị oan thường rơi vào tình trạng trắng tay, lưu lạc, vất vả mưu sinh, đó cũng là lý do khiến họ thiếu hiểu biết pháp luật, không biết quy định về thời hiệu. Ngoài ra, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật của chúng ta hiện nay cũng chưa tốt...
Theo TS Lê Minh Hùng, đề xuất trên có lý với góc độ góp phần xây dựng Nhà nước có trách nhiệm, đã làm sai thì phải chủ động sửa, bất luận khi nào. Tuy nhiên, nếu bỏ hẳn thời hiệu thì sẽ ảnh hưởng đến trật tự công cộng và phát sinh nhiều hệ lụy. Nó còn liên quan đến yếu tố chứng minh khi yêu cầu, kéo dài quá thì việc xác lập chứng cứ rất khó, lúc đó vụ việc sẽ đi vào bế tắc.
“Đành rằng đã làm oan thì phải khắc phục nhưng nếu khắc phục không đúng thì cũng chỉ có ý nghĩa một nửa. Tôi nghĩ chỉ nên sửa luật theo hướng kéo dài thời hiệu lên 10 năm, thậm chí 20 năm hoặc tính lại mốc thời điểm yêu cầu là từ khi người bị oan hoặc người thừa kế nghĩa vụ của họ phát hiện ra mình bị oan chứ không phải từ khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố người đó bị oan” - TS Hùng nói.
Quy định hiện hành Theo khoản 1 Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự theo quy định của luật này. Theo khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, người bị oan có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định họ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, không thực hiện hành vi phạm tội… Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định họ bị oan. |