Bản án giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước phải có nội dung gì?

(PLO)- Nếu bản án chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho người yêu cầu bồi thường.

Mới đây, TAND Tối cao ban hành Thông tư số 02/2023/TT-TANDTC hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án.

minh hoa.jpg
Hình minh hoạ

Điều 6 Thông tư quy định ngay sau khi nhận được yêu cầu bồi thường, thẩm phán, HĐXX phải thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan, xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác tài liệu, chứng cứ đã thu thập để xác định thiệt hại nhanh chóng. Việc xác định thiệt hại được bồi thường thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cạnh đó, khi tiến hành nghị án, HĐXX phải thảo luận, xác định hành vi của người thi hành công vụ có trái pháp luật, có gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hay không. Nội dung này phải được ghi vào biên bản nghị án.

Đáng chú ý, Điều 8 Thông tư hướng dẫn chi tiết nội dung của bản án có giải quyết yêu cầu bồi thường. Trong đó, tại phần nhận định của tòa án phải trình bày thành đoạn riêng về các vấn đề sau:

- Trường hợp chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho người yêu cầu và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nội dung yêu cầu của người yêu cầu bồi thường; xác định những thiệt hại đối với người yêu cầu bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; tài liệu, chứng cứ đã đủ giải quyết yêu cầu bồi thường;

- Trường hợp không chấp nhận yêu cầu bồi thường thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là không trái pháp luật, không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Trường hợp tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác thì phải phân tích, nhận định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ để giải quyết yêu cầu bồi thường.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-10-2023.

Khi nào tách yêu cầu bồi thường?

Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng chưa có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết yêu cầu bồi thường thì HĐXX tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác.

Người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục TTDS sau khi bản án, quyết định giải quyết vụ án hình sự, hành chính có hiệu lực pháp luật. Việc tách yêu cầu bồi thường phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính.

Khi giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường mà bản án, quyết định hình sự; bản án, quyết định hành chính bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự, vụ án hành chính.

(Theo Điều 7 Thông tư 02/2023/TT-TANDTC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm