Bản anh hùng ca giữa vùng đất lửa

"Không nằm trong nghĩa trang
Anh ở với đồi, anh xanh vào cỏ
Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình…".

Trong một chuyến đi về nguồn tại Đồng Nai, một đồng nghiệp của tôi tâm tình, anh ấn tượng mãi những dòng thơ ấy do anh Phạm Thanh Sơn, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Chiến khu Đ "ngâm" khi đưa đoàn đến thăm Nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà nằm dưới chân đồi Bằng lăng, thuộc phạm vi Di tích Trung ương Cục Miền Nam. Bạn tôi bộc bạch: "Cuộc viếng thăm Nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà để lại cho tôi nhiều cảm xúc thiêng liêng, nhất là khi tôi được biết tiếng là nghĩa trang nhưng nơi đây không hề có mộ bia của bất kỳ liệt sỹ nào. Đơn giản bởi các anh ở với đồi, các anh xanh vào cỏ".

Ấn tượng trước những tâm tình ấy, chúng tôi tìm đến Chiến khu Đ (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), vùng đất từng được mệnh danh là "Việt Bắc của miền Nam" để hiểu hơn về những năm tháng gian lao mà anh dũng của quân dân miền Đông Nam Bộ, cả những hy sinh, mất mát mà bao người con của Tổ quốc nằm lại giữa núi rừng nơi đây, mãi mãi tuổi 20, mãi mãi sống trong nỗi thương nhớ của nhân dân cả nước và sự kính phục của bao thế hệ trên non sông Việt.

Xe dừng dưới chân đồi Bằng lăng, nơi có tượng đài kỷ niệm cao hàng chục mét ghi lại quá trình hình thành và những năm tháng hào khí của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục cùng bao cán bộ, chiến sỹ - những người con bất khuất kiên trung của đất nước, từ đây chúng tôi được anh Trạm trưởng Nguyễn Văn Nhân tiếp đón bằng nhiều câu chuyện về một thời miền Đông gian lao mà anh dũng.

Đưa chúng tôi cắt bộ theo những con đường mòn xuyên rừng vào nghĩa trang, anh Nhân cho biết nhiều năm gắn bó với vùng đất này, anh có may mắn gặp và nghe nhiều chứng nhân từng có những năm tháng sống và chiến đấu tại Chiến khu Đ khi về thăm chiến trường xưa kể lại một thời mưa bom lửa đạn, nên khá am tường chuyện xưa ngày cũ.

"Vừa rồi bác Ao Sỹ, nguyên cán bộ Cục Quân báo, từng nằm vùng tại Mã Đà hồi kháng chiến chống Pháp lúc ghé thăm nghĩa trang đã kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng khó khổ, gian truân đến tận cùng về trận bão lụt lịch sử năm Nhâm Thìn 1952. Khi ấy bão càn quét qua chiến khu Đ cuốn phăng nhiều cánh rừng, nhà cửa và cán bộ, chiến sỹ của ta. Nhân lúc đó, giặc Pháp xua quân càn quét sát hại nhiều người. Bác ấy cũng kể cả chuyện cọp 3 móng gây nợ máu, tính đến khi bị hạ gục, nó đã sát hại và ăn thịt nhiều đồng bào, chiến sỹ của ta", anh Nhân nói: "Rừng rú Mã Đà còn là nơi an nghỉ của hàng ngàn người con chết vì bệnh sốt rét, vì họa thú dữ, vì các cuộc phục kích, đầu độc các con sông của kẻ thù và bom đạn hủy diệt của chúng… kể sao cho hết những gian khó ngày ấy".


Anh Nhân trước lối vào nghĩa trang không bia mộ. 

Sau hơn 20 phút chẻ rừng, chúng tôi đứng trước tấm bảng "Nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà", nơi đang ôm ấp hình hài của hàng trăm, có thể là hàng ngàn người con ưu tú, kiên trung của Tổ quốc. "Gọi là nghĩa trang chứ có bia mộ gì đâu" - anh Nhân trầm giọng: "Hết Pháp rồi Mỹ, thời nào chúng cũng trút bom với dã tâm tiêu diệt. Nhiều cán bộ, chiến sỹ ta bị trúng bom chết mất xác trong cánh rừng này. Khi có chiến sỹ nằm xuống, đồng đội cũng đưa các anh ra đây an táng, chờ ngày đất nước toàn thắng sẽ đưa các anh về với gia đình. Nhưng hết trận này đến trận khác, bao lớp người nằm xuống cứ thế bị bom đạn của kẻ thù trút tràn xóa dấu vết"...

Trời đang nắng đó bỗng đổ mưa. Trên đường ra khỏi nghĩa trang không bia mộ, chúng tôi đi qua nhiều cánh rừng bằng lăng cao vút, thân thể cường tráng, cành lá sum suê như khát khao mãnh liệt của những con người vĩnh viễn ngủ yên giữa núi rừng về hai tiếng "tự do", "thống nhất". Dừng lại bên hố bom có cây bằng lăng thân to bằng vòng ôm của cả 3 người, cao trên 30m, anh Nhân thổ lộ hố bom là nấm mồ tập thể của hơn 10 chiến sỹ bị trúng bom theo lời kể của đồng đội khi trở lại thăm chiến trường xưa.

"Kẻ thù với dã tâm hủy diệt, san bằng vùng đất này đã đổ hàng trăm ngàn tấn bom cùng chất độc hóa học. Dã tâm ấy của chúng khiến bao chiến sỹ của ta trở thành liệt sỹ vô danh, nhưng chúng hoàn toàn thất bại, hết lớp người này ngã xuống, lại có lớp người khác đứng lên, như rừng vẫn tràn đầy sức sống, ngạo nghễ và lớn mạnh cùng thời gian. Sức sống ấy minh định rằng dẫu có mất mát, đau thương nhưng sự hy sinh của các thế hệ cha anh trên mảnh đất này không uổng phí, mà trái lại đơm hoa, kết trái, trở thành bản anh hùng ca, là trang sử vàng son về lòng yêu nước và tinh thần xả thân, quả cảm vì đất nước" - bộc bạch những tâm sự này, đôi mắt anh Nhân rực sáng lạ thường.

 
Theo Thành Dũng (CAND)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới