Tại buổi tung sản phẩm Tết 2019 mới đây, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food, tự hào chia sẻ: Sau 15 năm ra đời, nếu nói về gia công thủy sản đông lạnh cao cấp xuất khẩu sang thị trường khó tính Nhật Bản, có thể công ty mình là một trong những doanh nghiệp hàng đầu. Đặc biệt, có những thời điểm các sản phẩm cao cấp ăn liền như cá saba, cá hồi tẩm gia vị được chuyển bằng máy bay sang Nhật vì hút hàng.
Doanh nghiệp đầu tiên cung cấp bữa ăn tươi cho 7-Eleven
Theo bà Lâm, nhờ có kinh nghiệm, làm cho thị trường Nhật nhiều năm qua, Saigon Food trở thành một thương hiệu uy tín, nên bất cứ nhà bán lẻ nước ngoài nào vào Việt Nam, đều tìm đến. Đối tác của DN này là các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi như CoopMart, Aeon Mall, VinMart, Circle K, Kids Plaza…
Đáng chú ý, năm 2017 tập đoàn bán lẻ 7-Eleven (Nhật) mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, Saigon Food trở thành người đầu tiên để cung cấp bữa ăn tươi với hàng trăm món ngon mỗi ngày cho hệ thống này.
Vậy DN được gì mất gì khi bán hàng cho 7-Eleven cũng như các đối tác trong thời gian qua? Bà Lâm cho biết là DN cung cấp bữa ăn tươi từ ngày đầu tiên 7-Eleven mở cửa, đến nay 70% thực đơn bữa ăn tươi tại chuỗi thương hiệu này do Saigon Food cung cấp. Do trước khi 7-Eleven vào thị trường, công ty chưa làm bữa ăn tươi nên không có sự so sánh tăng trưởng.
Đặc biệt, sau khi công ty cung cấp cho 7-Eleven, các hệ thống cửa hàng tiện lợi khác mời Saigon Food hợp tác. Tuy nhiên, khi sản xuất sản phẩm này có một khó khăn về logictis, vì việc giao hàng đến từng cửa hàng hạn chế. Công ty không thể nào giao đến từng cửa hàng trong chuỗi và thời hạn sử dụng bữa ăn tươi chỉ trong 36-48 tiếng. Hệ thống 7-Eleven có được hệ thống logictis chuẩn quốc tế.
Vậy sự cạnh tranh trong cung cấp bữa ăn tươi có khốc liệt? Bà Lâm cho biết từ đầu vào cho đến đầu ra, công ty đều tuân theo tiêu chuẩn Nhật, có chuyên gia từ Nhật qua để hướng dẫn cách vận hành, cách nấu. Công ty chọn phân khúc chất lượng, cao cấp, nên khó đánh giá sự cạnh tranh với các nhà cung cấp khác. Mặt khác, mỗi chuỗi cửa hàng tiện lợi có đối tượng khách khác nhau.
Hiện tại Việt Nam đang theo xu hướng các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia… có sự bùng nổ về hệ thống cửa hàng tiện lợi. Thời gian qua thị trường Việt Nam đã có sự gia nhập chuỗi 7-Eleven, B’smart… Ngay như DN nội, theo sự hợp tác giữa hai bên, công ty được chia sẻ thời điểm này Vinmart+ có 1.200 cửa hàng tiện lợi, 95 siêu thị Vinmart... Saigon Food tự hào đã vào tất cả hệ thống bán lẻ hiện đại. Đồng thời khi làm việc, công ty đều bàn bạc với các hệ thống bán lẻ mặt hàng nào bán chạy nhất cho đối tượng khách hàng mục tiêu của từng hệ thống đó mới đưa vào. Trong vài tháng, mặt hàng nào bán chậm hoặc không tốt công ty chủ động rút ra.
“Hiện nay tăng trưởng ở kênh cửa hàng tiện lợi đều trên 80%. Quan điểm của Saigon Food và các nhà bán lẻ là hai bên cùng thắng để cùng hợp tác lâu dài. Tuy nhiên, có những hệ thống phải cùng đi với nhau từ đầu, doanh thu sản lượng chưa nhiều. Hiện tại chưa bên nào hiệu quả nhưng cả hai đều hướng về tương lai để cùng nhau thắng” - bà Lâm nhấn mạnh.
Đa số những món ăn tươi tại 7-Eleven là từ nhà cung cấp Saigon Food
Bán từ cháo tươi đến cá mộng doanh thu vài ngàn tỉ
Vì sao gọi là cháo tươi Chí Phèo mà không phải là cháo tươi Thị Nở? Cháo được nấu xong rồi chiết rót đóng gói hay nấu trong gói?
Bà Lâm kể, cuối năm 2011 công ty tung ra dòng sản phẩm cháo “tươi”, cam kết 100% là nguyên liệu “tươi”. Quy trình chế biến cháo là cho nguyên liệu hoàn toàn tươi gồm gạo, thịt, cá, rau củ… vào chén hay gói. Đem đi hàn miệng, hút chân không rồi gia nhiệt. Với việc ứng dụng công nghệ retort, sử dụng bao bì đa lớp chuyên dụng nên nguyên liệu được nấu chín trực tiếp trong bao bì, không chất bảo quản, vẫn đảm bảo sử dụng đến 12 tháng.
“Phải qua quy trình như vậy, công ty mới xin được Bộ Y tế cấp chứng nhận là cháo tươi. Cháo có sự tươi ngon như nấu ở nhà chứ không phải như đồ hộp công nghiệp” - bà Lâm nói.
Do đó mà từ cháo tươi đến sản phẩm đông lạnh Saigon Food giá đều cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Dường như công ty chỉ bán sản phẩm cho con nhà giàu?
Theo bà Lâm giá cả chính là nỗi trăn trở, ưu tư của lãnh đạo công ty. Vì bản thân DN đã từng nghe những bà mẹ nói họ chỉ mua cháo tươi cho con mỗi khi đi về quê hay đi du lịch… cho thấy giá là rào cản.
DN hiểu điều này nhưng không thể giảm giá được, chưa kể việc không tăng giá đã là kỳ tích. Vì từ năm 2012 khi đưa cháo ra thị trường đến nay sáu năm. Giá xăng, dầu, điện, nước, lương công nhân… đều tăng, nếu cộng dồn chi phí trong sáu năm là rất cao nhưng cháo không hề tăng giá.
Trong khi đó, hiện nay cháo nhập khẩu từ Nhật Bản giá khoảng 70.000 đồng/ gói, cháo nhập khẩu Hàn Quốc 45.000 đồng/hộp, nếu so với cháo tươi của công ty giá vẫn còn quá rẻ. Song song đó, công ty cũng có dòng cháo tươi giá phổ thông chỉ 11.000 đồng/gói, đưa vào kênh truyền thống nhưng chưa được nhiều người biết đến.
“Tôi mong một ngày nào đó, chỉ riêng bao bì sẽ do DN Việt cung ứng. Vì hiện tại bao bì của cháo, dù là gói hay chén đều phải nhập khẩu. Nếu được cung cấp từ những nhà cung ứng Việt Nam, giá thành sản phẩm có khả năng giảm xuống. Giá cả là nỗi trăn trở mà công ty phải suy nghĩ để phát triển trong thời gian tới. Nếu làm được, những năm tiếp theo doanh số không chỉ vài ngàn tỉ đồng mà có thể trên 5.000 tỉ đồng” - bà Lâm hào hứng nói.
Riêng nếu nói sản phẩm đông lạnh mà dành cho nhà giàu cũng chưa chính xác. Vì xuất phát điểm là Công ty Cổ phần hải sản SG (SGFisco). Khoảng 10 năm đầu, sản phẩm tại thị trường Việt Nam là đông lạnh, nên đã “nương” theo sự phát triển của các hệ thống siêu thị ở những thành phố lớn là chính.
Khi hệ thống siêu thị mở rộng các tỉnh, công ty thay đổi chiến lược, đổi tên từ “fis” sang “food”, mới nghiên cứu những dòng sản phẩm làm sao thoát khỏi “tủ đông”. Nên lẩu đông lạnh có gói nước dùng là “đứa con đầu lòng” ghi dấu tên tuổi của công ty, cháo tươi là “đứa con thứ” khẳng định thương hiệu mạnh của Saigon Food.