22 NĂM BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM (17-9-1990 _ 17-9-2012)

Bạn của những mảnh đời bất hạnh

Nhân sinh nhật lần thứ 22 của báo Pháp Luật TP.HCM (17-9-1990–17-9-2012), chúng tôi xin ghi nhận những tấm lòng hảo tâm của nhiều mạnh thường quân đã đồng hành với báo giúp đỡ những trường hợp cơ cực, nghèo khó.

Chấm dứt cảnh không nhà

“Nhà thằng Phước sập rồi, có cách nào giúp nhanh nhanh cho nó hay không?”. Nghe một bạn đọc ở xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long cấp báo tin dữ liên quan đến một nhân vật trong bài báo của mình, chúng tôi đứng ngồi không yên.

Anh Nguyễn Hồng Phước cùng vợ và một con trai chín tuổi ngụ ở địa phương trên đều có dấu hiệu bị tâm thần, nhiều năm nay phải sống trong căn chòi rách. Sợ căn chòi có thể đổ sập bất cứ lúc nào, bà con đã phản ánh đến báo… Báo đăng bài xong thì nhiều bạn đọc khắp nơi lần lượt gửi tiền giúp anh Phước xây dựng một căn nhà mới. Thế nhưng khi số tiền gom góp được vẫn còn ít thì đột ngột vào tháng 7 - như bạn đọc trên đã thông báo - căn chòi rách của anh Phước bị giông gió giật sập. Cả nhà anh phải sống tạm bợ dưới những tấm tôn cũ để trú mưa, tránh nắng, đêm đêm phải ngả lưng trên những cánh cửa gỗ cũ xin được ở đâu đó thay cho chiếc giường.

Bạn của những mảnh đời bất hạnh ảnh 1

Trong căn nhà mới, mẹ con bà Phạm Thị Hoàng xúc động nói: “Không nhờ báo Pháp Luật TP.HCM và những nhà hảo tâm thì suốt đời này mấy mẹ con tui không thể có được ngôi nhà tươm tất”. Ảnh: HÙNG ANH

Chúng tôi đã bàn bạc với địa phương gấp rút xây dựng một ngôi nhà cho gia đình anh Phước. Ngặt nỗi, tính chung tiền của bạn đọc tặng, tiền hỗ trợ thiên tai của huyện thì chưa đến 10 triệu đồng, chỉ đủ làm nền, đổ cột. Vậy tiền đâu mua tôn lợp mái, làm vách? Chúng tôi liền gọi điện thoại cho những địa chỉ hảo tâm quen biết. Một bạn đọc ở TP Tân An (Long An) sốt sắng tặng 1,5 triệu đồng mua tôn; chị Thủy, chị Thúy ở Tiền Giang tặng 1 triệu đồng; anh Thành An (sĩ quan Tỉnh đội Vĩnh Long) tặng 500.000 đồng, anh Năm Nhỏ thợ hồ ở xã Đồng Phú tình nguyện phụ giúp làm nhà không công…

Sáng 6-9, chúng tôi cùng nhiều nhà hảo tâm tổ chức làm nhà cho gia đình anh Phước. Đến xế chiều thì hai mái tôn đã được lợp xong, dù chưa có vách nhưng cả nhà anh Phước lập tức ôm manh chiếu rách rời căn chòi tạm bợ vào trú trong căn nhà mới, miệng ríu rít nói: “May quá, đêm nay cả nhà tui hết bị lạnh vì trời mưa rồi”… Ai nghe cũng mủi lòng!

Thay đổi nghịch cảnh

Cuối năm 2011, từ thông tin trên báo, nhiều bạn đọc biết được hoàn cảnh của bà Phạm Thị Hoàng ở ấp Đông Hòa 2, xã Đông Thành, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) thân thể tật nguyền nhưng hằng ngày phải bò đi làm cỏ mướn để nuôi các con. Ngay sau đó, nhiều bạn đọc gần xa đã chia sẻ, đóng góp tiền để xây tặng bà Hoàng và các con một căn nhà khang trang trị giá hơn 40 triệu đồng.

Ngày 10-9, khi chúng tôi trở lại Đông Thành thì được ông Nguyễn Văn Vẹn, Chủ tịch UBND xã Đông Thành, cho biết UBND xã và các nhà hảo tâm đã đưa gia đình bà Hoàng vào diện giúp đỡ thường xuyên.

Cũng vào cuối năm 2011, nhiều bạn đọc rất xúc động khi đọc bài báo về một đứa trẻ 14 tuổi ở phường 5, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) hằng ngày bán mía ghim nuôi hai em đi học vì cha bị bệnh mất, mẹ bỏ đi biệt tích để trốn nợ vay nóng lo đám tang cho cha. Nhiều bạn đọc từ các nơi đã tìm về Sóc Trăng hoặc đến tòa soạn gửi tiền giúp đỡ ba em nhỏ bất hạnh.

Theo bà Nguyễn Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường 5, ba chị em đã qua được tình cảnh khốn khó. Huỳnh Thị Phượng đã đi học trở lại, không còn phải bán mía ghim. Do được UBND và công an phường can thiệp nên mẹ của ba em chỉ phải trả nợ gốc, số nợ đã được thanh toán xong và bà đã trở về nhà chăm sóc các con. Cả gia đình đang sống ổn định trong khu tái định cư, mỗi tháng Hội Phụ nữ và các nhà hảo tâm đều tặng cho gia đình này gạo và các loại nhu yếu phẩm cần thiết.

Cảm ơn bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM”

Đó là lời của em Phạm Thị Duyên (Phụng Hiệp, Hậu Giang), nhân vật trong bài “Mồ côi đưa em đến giảng đường” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 13-8.

Em Duyên cho biết từ ngày báo đưa tin, em nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các mạnh thường quân khắp nơi. Tin vui dồn dập đến với Duyên khi mới đây một chủ xưởng cơ khí ở quận Bình Tân, TP.HCM đã thuê xe xuống tận Hậu Giang trao tặng em 14 triệu đồng, đồng thời ngỏ ý nhận em làm con nuôi và hứa sẽ lo toàn bộ chi phí cho em ăn học.

Bạn của những mảnh đời bất hạnh ảnh 2

“Người vượn” Nguyễn Văn Linh (áo trắng ngồi phía dưới) bên cạnh nhiều người tốt bụng đến từ TP.HCM. Ảnh: ANH PHÚ

Niềm vui cũng đến với chàng trai “người vượn” Nguyễn Văn Linh (ấp Tần Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau) bị liệt hai chân và vẹo cột sống từ nhỏ chỉ có thể đi lại bằng đôi tay,  đang là lao động chính nuôi gia đình năm miệng ăn, nhân vật trong bài ““Người vượn” nhọc nhằn kiếm sống” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 6-6. Được sự giúp đỡ của hàng trăm mạnh thường quân, hiện gia đình Linh đang sống  ổn định. Linh được đi khám bệnh, mẹ và bà có tiền mua thuốc uống hằng ngày, hai em được đến trường. Ngoài ra, Linh đã có chiếc xuồng máy để đi mua phế liệu khắp nơi, có tiền mua lú bắt cá nuôi gia đình.

ANH PHÚ

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm