3 cách tránh sang chấn tâm lý hậu COVID-19

Mới đây, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, đơn vị triển khai, vận hành dự án phi lợi nhuận “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch” tổ chức hội thảo và sơ kết sau gần 5 tháng triển khai với hình thức online.

Tham dự hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu nghành trong lĩnh vực tâm lý trị liệu.

Chia sẻ về thực trạng sức khoẻ tâm thần của người dân trong đại dịch COVID-19 vừa qua, TS.BS Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó chủ tịch/Tổng thư ký Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, cho biết theo nghiên cứu và khảo sát trên thế giới, các bệnh nhân bên cạnh các triệu chứng của COVID-19 thì còn có thêm những triệu chứng như mất ngủ (chiếm 42%), suy giảm sự tập trung (38%), lo âu (36%), giảm trí nhớ (34%)…

TS Lê Minh Công (áo xanh)-Phó trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đang trình bày tại hội thảo. Ảnh. BTC

Còn tại Việt Nam trong đại dịch vừa qua, qua khảo sát và nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần của nhân viên y tế tại bệnh viện Bạch Mai khi bị phong tỏa (từ 26 đến 29-4-2021) thì thì 15% nhân viên y tế mắc triệu chứng lo âu, 13% bị trầm cảm và 5% số người bị mất ngủ. TS.BS Hiên cũng cho biết vấn đề sức khoẻ tâm thần trong đại dịch không chỉ đội ngũ y tế gặp phải mà ngay cả người dân cũng đang mắc phải.

Nguyên nhân xuất phát từ một số yếu tố tâm lý xã hội như: Tiếp xúc với bệnh nhân F0; sợ lây cho gia đình; giãn cách xã hội, cách ly, cô đơn; truyền thông thường xuyên báo cáo về dịch, số ca tử vong, số ca mắc…

Cũng tại hội thảo, những thân chủ là những người đã tìm đến dự án này để được tư vấn trong thời gian giãn cách xã hội cũng đã có những chia sẻ về vấn đề từng gặp phải.

Chị A. là nữ công nhân làm trong xí nghiệp, sống một mình trong khu nhà trọ, trong một dịp test nhanh để đi làm thì phát hiện bản thân dương tính. Mặc dù không có những triệu chứng nặng nhưng trong giai đoạn đó khi biết bản thân bị dương tính nữ công nhân này hầu như rơi vào trạng thái căng thẳng, lo sợ người khác dị nghị dẫn đến tình trạng né tránh tiếp xúc với người xung quanh. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị rất nhiều.

Một trường hợp khác là sinh viên H. hay bị căng thẳng mệt mỏi, đôi lúc cãi nhau hay bị mất kiềm chế không giữ nổi bình tĩnh và hay suy nghĩ xong buồn rồi lại khóc và dạo gần đây sinh viên này hay bị sợ buổi tối, hay bị đau đầu và chán ăn...

Một thân chủ liên hệ tới các chuyên gia của Dự án để xin tư vấn gặp vấn đề về tâm lý khi bị mất việc do dịch COVID-19. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Tuỳ vào từng trường hợp gặp phải mà liệu trình điều trị cho mỗi người là khác nhau, dao động từ 3-12 ngày.

Cũng theo đại diện dự án này, sau khi kết thúc quá trình điều trị COVID-19, có một số người rơi vào trạng thái ám ảnh hoặc rơi vào trạng thái tiêu cực. Một số khác thì suy giảm về tình trạng sức khỏe. Do đó, các chuyên gia đã đưa ra 3 lưu ý chính cho người sau khi kết thúc điều trị COVID-19:

1. Tập trung cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân, chẳng hạn như thiết lập lịch trình ăn uống và tập luyện thể thao hợp lý.

2. Thiết lập các hoạt động thư giãn để phục hồi trạng thái tâm lý ổn định.

3. Kết nối với người thân/ bạn bè thông qua nhiều hình thức (điện thoại, video call) để tái thiết lập lại các mối quan hệ cũng như có thể chia sẻ được những khó khăn đã trải qua. Luôn tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo vệ bản thân và người thân xung quanh.

Tuy nhiên, nếu những trạng thái tiêu cực này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bản thân người bệnh bị căng thẳng kéo dài, mất ăn mất ngủ thì cần thiết liên hệ với những trung tâm tham vấn tâm lý để được các nhà chuyên môn hỗ trợ can thiệp kịp thời.

Trong giai đoạn từ ngày 15-7 đến ngày 30-11-2021, dự án “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch” đã khám và điều trị; tham vấn & trị liệu tâm lý theo hình thức từ xa. Tổng số bệnh nhân đăng ký và được tiếp nhận khám, điều trị (bởi bác sĩ tâm thần), tham vấn & trị liệu tâm lý (bởi nhà tâm lý lâm sàng, tham vấn tâm lý) cho 901 trường hợp. Trong đó, có 4,78% người dưới 18 tuổi, 95,22% từ 18 - 55 tuổi, địa bàn sinh sống (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Hải Phòng...). Toàn bộ được tư vấn, trị liệu miễn phí qua hình thức trực tuyến như điện thoại, zalo, facebook, google meet, zoom.

Người dân, bạn đọc nếu có vấn đề về tâm lý, tâm thần có thể liên theo thông tin sau để được tư vấn, hỗ trợ miễn phí: Điện thoại: 088.8064266; Email: suckhoetinhthan.hded@gmail.comForm đăng ký: https://forms.gle/kYHXwqHxkGszFy4F6. Địa chỉ: 217 Hà Huy Giáp, Quyết Thắng, Biên Hoà, Đồng Nai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm