Bạo lực học đường khởi nguồn từ gia đình

Hình ảnh học sinh nắm tóc, lột áo, dùng nắm đấm, gót giày và cả dao nhọn để giải quyết mâu thuẫn với nhau trong và ngoài sân trường rộ lên ngày một nhiều khiến những ai có tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” đều hết sức âu lo cho đạo đức của lứa tuổi rường cột nước nhà giờ xuống cấp nghiêm trọng. Tính khí hung bạo đang phát tán trong môi trường giáo dục từ nhiều năm qua đã đến lúc phải được mổ xẻ để truy nguyên, nhằm tìm phương thuốc chữa trị.

Gia đình là chính

Kết cục quá đau lòng này xảy ra, chung quy là do người lớn đã mắc sai lầm trong phương pháp và quan điểm giáo dục. Nói về giáo dục, tất nhiên đầu tiên phải nghĩ đến nhà trường. Một số học sinh cho rằng có nhiều thầy cô quá thờ ơ, hoặc thiếu hiểu biết tâm lý trẻ, kém tế nhị trong cách giải quyết bất hòa giữa các em. Do bị đánh mất niềm tin, các học sinh đã phải tự xử cho được việc. Tuy nhiên, lỗi ở thầy cô chỉ là một phần nhỏ vì chẳng nhà trường nào muốn học sinh của mình trở nên “đầu gấu” để làm ảnh hưởng đến uy tín chung. Sai lầm nặng nhất nằm ở phía gia đình!

Bạo lực học đường khởi nguồn từ gia đình ảnh 1

Sự quan tâm chăm sóc và nề nếp gia đình là tấm gương cho con cái noi theo. Ảnh minh họa: HTD

Nhiều bậc cha mẹ do quá đam mê với việc làm giàu, thường xuyên vắng nhà, thiếu quan tâm sâu sát đến tâm tư, tình cảm của con. Có phụ huynh đã chọn cách cho con rủng rỉnh đồng tiền, cùng những tiện nghi vật chất giá trị cao nhằm khỏa lấp vào khiếm khuyết ấy. Đáng trách là có những người cha, người mẹ bản thân thiếu nhân đức, kém văn hóa đã vô tình đầu độc tâm hồn con cái trong nhà qua những hành vi hết sức xấu xa nơi họ. Chẳng hạn, dùng những lời thô tục chửi rủa nhau, mượn quyền cước để thay lời muốn nói, ăn nhậu be bét, cờ bạc đề đóm, ngồi lê mách lẻo, chơi bời trác táng, tàn nhẫn với con… Một đứa trẻ phải sống trong môi trường như vậy thì chắc chắn nó sẽ bị tiêm nhiễm, để rồi trẻ cũng thể hiện những thói ấy với bạn bè một khi bị kích động, hoặc muốn chứng tỏ cái tôi.

Cha say, con nhắc nhở

Tôi viết ra những điều này do bản thân cũng từng phạm sai lầm nên có chút kinh nghiệm. Cách đây gần bảy năm, sau buổi tiệc với bạn bè, dù không quá say song cũng vì rượu vào khiến tôi hơi mất tự chủ. Tôi đã to tiếng với vợ trước mặt con trai út, khi ấy con mới lên ba tuổi. Chỉ một lần ấy thôi, vậy mà từ đó về sau, con trai thỉnh thoảng đưa chuyện xấu ra kể lại khiến tôi giật mình. Tôi xấu hổ vì đã hàm hồ do tác động của ma men và nhận ra con mình đã nhớ như in trong óc cử chỉ thô lỗ của ba. Thế là về sau tôi không bao giờ để rượu điều khiển mình, cố gắng sống nề nếp với mọi người để làm tấm gương cho con cái noi theo.

Về định tính giáo dục, có câu “gia đình là nền tảng của xã hội”, điều này không thể nhầm lẫn. Quá vô lý lẫn tắc trách khi cha mẹ giao khoán nhiệm vụ dạy dỗ con cái do mình đứt ruột đẻ ra cho nhà trường, cho một tổ chức, hay hội đoàn nào đó. Bởi không có tình thương nào sánh tày tình thương cha mẹ dành cho con cái. Phải có tình thương chan hòa và sự thấu hiểu mới là nền tảng xây dựng con người có nhân cách. Gia đình nào không biết củng cố nền tảng thì đừng mong con cái mình nên người hữu ích cho xã hội mai sau.

SƠN KHÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm