Bi kịch của người chuyển giới - Bài 1: Phận Eva trong cơ thể Adam

Gần đây, những người chuyển giới xuất hiện công khai ngày càng nhiều như chuyên gia trang điểm Cindy Thái Tài, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ Khánh Chi Lâm, cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, nhà thiết kế Franky Nguyễn…. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng một cộng đồng đông đảo hơn. Họ là ai, vì sao phải chịu tốn kém, đau đớn để phẫu thuật và chấp nhận cuộc sống khó khăn, bất trắc sau khi chuyển giới?

Người đã qua phẫu thuật chuyển giới thường bị gọi một cách kỳ thị là “bóng lộ”. Trước khi chuyển giới, họ phải sống một cuộc đời bức bí trong giới tính họ không mong muốn. Sau khi chuyển giới, họ phải đối mặt với những kỳ thị trong chính cộng đồng thế giới thứ ba.

Khát khao làm phụ nữ

Cách đây hai năm, Huỳnh Minh Tuấn (17 tuổi) đã tự sang Thái Lan chuyển giới từ nam thành nữ. Trong vóc dáng của một người nữ với ba vòng khá chuẩn, Tuấn tự đổi tên là Bảo Như. Từ nhỏ, Như đã thích ngắm mình trong gương, thích tô son môi, làm đẹp. Khi đến tuổi dậy thì, Như chỉ thích mặc đồ nữ và rất ghét bộ phận sinh dục nam giới của mình dù nó rất hoàn chỉnh. Khát khao duy nhất của Như là được sống trong cơ thể của một phụ nữ. Gia đình không đồng ý nhưng không thể ngăn mong muốn mãnh liệt của Như nên đã góp 300 triệu đồng giúp Như thỏa nguyện.

Như nhớ lại: “Nằm trên bàn mổ nghe tiếng dao kéo xẹt xẹt cũng ớn lắm nhưng em tự dặn mình phải quyết tâm, dù chỉ được làm phụ nữ 1 giờ thôi cũng đủ. Sau 3 tiếng thì phẫu thuật xong cả phần trên và dưới. Dù đau đớn kinh khủng nhưng em thấy vui”.

Chị Lan Hương, đã chuyển giới được ba năm, kể: “Bọn em rỉ tai nhau là trước khi mổ nên uống thuốc ngừa thai cho ngực to và mềm ra, sau này đi phẫu thuật ngực ít bị đau và đẹp nữa”. Không biết thực hư như thế nào nhưng nhiều người vẫn dùng. Họ biết việc tiêm hóc môn, phẫu thuật sẽ làm loãng xương, mất trí nhớ, giảm thọ… nhưng chấp nhận trả giá.

Bi kịch của người chuyển giới - Bài 1: Phận Eva trong cơ thể Adam ảnh 1

Một người chuyển giới đang kể cho cánh nhà báo về quá trình đi Thái Lan phẫu thuật. (Ảnh chụp năm 2009) Ảnh: T.MẬN

Người được cộng đồng chuyển giới biết đến nhiều là Bảo Hân (tên thật là Nguyễn Đức Hiếu). Đã 53 tuổi với nhiều trải nghiệm chị cho rằng dù có kiếp sau chị vẫn chuyển giới bởi không thể sống phận Eva trong cơ thể Adam được. Hồi mới năm tuổi, chị đã thích chơi banh đũa, búp bê, đội tóc giả làm công chúa… Lớn lên chút, chị lén đến nhà bạn trang điểm, mặc váy để được thể hiện mình; chị giỏi may vá, trang trí. Chị chuyển giới đã vài chục năm, thời đó việc phẫu thuật chưa phổ biến, rất khó khăn.

Điều chị hài lòng nhất là mọi người ở địa phương đối xử với chị như một phụ nữ bình thường. Nhà đông anh em nhưng mọi người đã ra riêng, chỉ còn chị ở chung nhà chăm sóc cho người mẹ già trên 80 tuổi. Chị tự hào: “Nếu mình không là phụ nữ làm sao mình có thể thay quần áo, rửa ráy hằng ngày cho má được”.

Khổ nhất trong thế giới thứ ba

Cộng đồng người chuyển giới cảnh báo nếu không chuẩn bị tâm lý cho những thay đổi sau khi chuyển giới, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Điển hình là chị Q. trở nên tưng tửng sau khi chuyển giới.

Những rủi ro trên đường đi phẫu thuật cũng được cảnh báo. Chị Tiên, ở quận 1, kể: “Người đi trước biết đường rồi dẫn người sau đi theo thôi. Quan trọng là tìm được cơ sở tư nhân nhưng tin cậy một chút vì vào cơ sở nhà nước thì chi phí cao lắm. Tôi may mắn có chị đi trước rành rẽ theo giúp nên mổ xong rất đẹp nhưng có người phải đi làm lại”. Ngày nay, có nhiều lựa chọn hơn ở các cơ sở chuyển giới có tên tuổi tại Thái Lan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, những rủi ro về mặt sức khỏe không ít vì không được tư vấn tâm lý, không có bác sĩ theo dõi thường xuyên sau khi chuyển giới. Đa phần người chuyển giới thường tự mua hóc-môn về tiêm hoặc uống sau khi phẫu thuật để giữ giới tính mới.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có tiền để đi phẫu thuật chuyển giới. Nhiều người không có tiền đành xăm mắt, xăm môi, mua hóc môn trôi nổi về tự tiêm hoặc chỉ phẫu thuật phần ngực. Phẫu thuật bộ phận sinh dục tốn tiền hơn rất nhiều các bộ phận khác vì phức tạp hơn. Cũng có người rất khát khao được chuyển giới nhưng vì khung xương to, vóc dáng không phù hợp nên đành chịu.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường, những người chuyển giới bơ vơ trong việc tìm kiếm thông tin chính thống. Họ thường tìm đến những diễn đàn trên mạng rồi truyền nhau thông tin, kinh nghiệm để hiểu bản thân. Cộng đồng thế giới thứ ba LGBT (cộng đồng của những người đồng tính, song tính và chuyển giới) vốn là một nhóm dễ tổn thương, cũng chưa gỡ bỏ được sự kỳ thị. Đặc biệt, nhóm người chuyển giới chịu thiệt thòi nhiều nhất khi phải nhận thêm sự kỳ thị từ chính cộng đồng thế giới thứ ba vì họ vốn kín trong khi người chuyển giới thì lộ cho mọi người thấy. Có những trang web đã kỳ thị đến mức xóa nick của “bóng lộ” tham gia, post ảnh lên mạng.

Chuyển giới khác với đồng tính

“Người chuyển giới” là một thuật ngữ mới được dùng trong truyền thông.

Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa người chuyển giới và người đồng tính trong khi hai nhóm người này khác nhau: Người đồng tính là người có tình cảm yêu đương với người cùng giới, ví dụ như nam yêu nam và nữ yêu nữ. Họ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi yêu ai?”. Người chuyển giới là người có khát vọng mạnh mẽ muốn được chuyển đổi giới tính của mình khác với giới tính lúc sinh ra. Ví dụ như sinh ra là nam nhưng suy nghĩ mình là nữ và mong phẫu thuật, tiêm hóc môn để thay đổi giới tính của mình cho đúng. Họ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”.

Mong muốn của hai nhóm người này cũng khác nhau: Người đồng tính mong muốn Luật Hôn nhân và Gia đình cho phép hợp pháp hóa quan hệ đồng giới của họ, còn người chuyển giới thì muốn Luật Dân sự cho phép họ phẫu thuật và thay đổi giới tính. 

LÊ QUANG BÌNH,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSEE)

Tôi thấy cần nói thật để các bạn muốn chuyển giới phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định. Phẫu thuật mất sức nhiều lắm, dù có thuốc nhưng vẫn ra máu nhiều, đau đớn, mệt mỏi, vệ sinh rất khó. Nhiều ngày sau đó phải truyền nước biển, đi lại phải có xe lăn. Bộ phận sinh dục nhân tạo không có cơ chế tự điều tiết nên phải nhờ bác sĩ tư vấn kỹ việc vệ sinh và thực hiện nghiêm ngặt, nếu không thì dễ bị thối.

Sau khi phẫu thuật rất dễ bị trầm cảm, vì cảm xúc trong quan hệ tình dục không còn nữa. Lúc đó chỉ có ham muốn trong đầu mà không có khả năng giải tỏa. Tôi có người bạn bị ức chế kiểu đó, mỗi lần người ta chọc ghẹo bóng lộ là chị khỏa thân.

Tôi biết ai đã có ý định chuyển giới cứ muốn làm cho bằng được. Trót mang phận này rồi thì mong ước lớn nhất chỉ có chừng đó thôi. Giá như Nhà nước cho chúng tôi được phép chuyển giới, có thông tin, có cơ sở y tế trong nước làm hẳn hoi, có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ tư vấn trước và sau khi phẫu thuật… thì sẽ đỡ khổ hơn

NGUYỄN ĐỨC HIẾU (thường gọi là Bảo Hân, 53 tuổi)

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm