Bình Thạnh, TP.HCM: Xây cầu Thủ Thiêm làm nứt nhà dân

Nhiều tháng nay, gần 35 hộ dân sống quanh khu vực thi công cầu Thủ Thiêm (tổ 6, khu phố 1, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cứ thắc thỏm, lo âu vì tường nhà của họ nứt ngang nứt dọc, cột tường bị xé toạc nhiều nơi...

Nguy cơ nhà sập

Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm nhằm nối hai bờ sông Sài Gòn thuộc quận 2 và quận Bình Thạnh, kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai với trung tâm hiện hữu của TP.HCM. Điểm đầu của dự án là khu vực giao nhau giữa đường Ngô Tất Tố với đường Nguyễn Hữu Cảnh (thuộc phường 22, quận Bình Thạnh). Điểm cuối dự án kết nối với đường Lương Định Của (quận 2) và tương lai nối với đại lộ Đông-Tây. Chủ đầu tư dự án là Khu quản lý giao thông đô thị số 1, đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng số 1.

Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công đã gây ra nhiều sự cố cho người dân trong khu vực. Bà Phạm Thị Nguyệt, chủ nhà 30/8 Nguyễn Hữu Cảnh, than thở: “Từ khi các "lô cốt" phục vụ cho việc thi công mọc lên thì nhà tôi bắt đầu có nhiều vết nứt trên cột chính rồi lan ra khắp nhà. Sàn nhà sụt lún nhiều chỗ, nền nhà bị gợn sóng, gạch lót nền rạn nứt khắp nơi. Những lúc mưa to gió lớn, chúng tôi đứng ngồi không yên vì không biết căn nhà có bị sao không...”.

Các nhà 30/6, 30/4... và một số nhà lân cận cũng bị lún nứt với những mức độ khác nhau. Mới đây, ban công trên sân thượng của căn nhà đúc kiên cố hai tầng (30/3) bị nứt, nghiêng ra hẻm đã bất ngờ đổ sụp xuống đường. Rất may không có tai nạn đáng tiếc xảy ra. Chủ nhà này đã thuê thợ xây lại phần tường nứt, tháo toàn bộ ngói lợp trên “chuồng cu” sân thượng để giảm bớt sức nặng và nguy hiểm cho người qua lại hẻm.

Ông Đỗ Công Thái, tổ trưởng tổ dân phố 6, phản ánh: “Vào những lúc đơn vị thi công đào hầm, mặt đất toàn bộ khu vực này rung chuyển dữ dội tựa như có động đất. Mọi đồ vật trong nhà đều có thể ngã đổ. Vậy nên nhà nào có nền móng yếu đều bị nứt tường, lún nền...”.

Đơn vị thi công sợ phí tiền (?)

Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh, cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của bà con, phường đã kết hợp với Phòng Quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng quận đến kiểm tra. Chúng tôi đã gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công tìm hướng khắc phục. Mặc dù danh sách số hộ bị thiệt hại đã được gửi đi từ tháng 3-2009 nhưng đến nay các đơn vị chỉ mới khảo sát hiện trạng chứ chưa kiểm định”.

“Ngày 16-6, đơn vị thi công đã gửi văn bản yêu cầu chúng tôi thu của dân phí kiểm định để có thể trả lại cho tổng công ty nếu nguyên nhân lún nứt không phải do quá trình thi công gây ra. Xét đây không phải là nhiệm vụ của phường nên chúng tôi không thực hiện. Trước đây, khi gặp tình huống tương tự, một số đơn vị thi công đã nhanh chóng kiểm định mà không đặt vấn đề thu phí” - ông Chiến cho biết thêm.

Ông Trần Minh Trí, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Thủ Thiêm (thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1), giải thích: “Vì chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước nên việc thu chi phải rõ ràng. Sẽ rất lãng phí nếu chúng tôi phải chi trả phí kiểm định mà không do lỗi của mình. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị xong các thủ tục cần thiết nhưng vì chưa nhận được văn bản trả lời của phường nên chúng tôi chưa thể ký hợp đồng kiểm định”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban quản lý dự án cầu Thủ Thiêm (thuộc Khu quản lý giao thông đô thị số 1), cho biết: “Khu đã chuyển danh sách các hộ bị thiệt hại cho bên thi công và nơi đây phải chịu trách nhiệm liên hệ với đơn vị kiểm định để nhanh chóng đưa ra phương án khắc phục các hư hỏng trên. Để đảm bảo tiến độ giải quyết, bên thi công có thể ứng tiền thực hiện việc kiểm định rồi sau khi có kết quả kiểm định thì cứ theo quy định mà xử lý”.

THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm