Chủ quán mua chai Dr Thanh để bán không phải là người tiêu dùng?

Liên quan vụ phát hiện sáu chai trà Dr Thanh có ruồi, lông, cặn bã như các báo phản ánh, ngày 6-3, bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tỉnh Khánh Hòa, cho biết hội không thụ lý đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Anh. Theo bà Trang, luật về BVQLNTD xác định đối tượng được bảo vệ là người mua sản phẩm và tiêu dùng trực tiếp. Trường hợp của ông Anh là chủ quán (chủ nhà hàng Hữu Nghị ở Cam Phú, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) mua để bán lại cho khách nên không đúng đối tượng mà hội bảo vệ. Trước đó, ông Anh đã gửi đơn đến hội khiếu nại sản phẩm kém chất lượng này.

Pháp Luật TP.HCM nhận được ý kiến bạn đọc cho rằng cần phải sửa đổi quy định của Luật BVQLNTD sao cho có thể bảo vệ được tất cả người mua sản phẩm, không phân biệt là người mua bán hay người dùng trực tiếp. Một số ý kiến khác cho rằng luật quy định như vậy là phù hợp, không cần phải sửa... Chúng tôi xin nêu các ý kiến để bạn đọc rộng đường bàn luận.

Giải thích luật theo nghĩa hẹp

Trong hoạt động kinh doanh, hầu như mọi người đều thừa nhận bất cứ ai (cá nhân hay pháp nhân) tham gia tiêu thụ sản phẩm của công ty sản xuất, kinh doanh đều được coi là khách hàng. Tuy nhiên, những trường hợp như ông Anh, khi phát hiện sản phẩm đã mua kém chất lượng, có dị vật… họ không thể bán cho ai và càng không thể sử dụng. Rõ ràng họ bị thiệt hại (trước mắt là vật chất) nhưng không được Hội BVQLNTD trợ giúp vì không được coi là đối tượng điều chỉnh của luật.

Khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD năm 2010 giải thích từ ngữ: “NTD là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Như vậy, luật đã giải thích khái niệm theo nghĩa hẹp.

Có thể sự giải thích trên khó được dư luận đồng tình nhưng đối với các quy định của luật, những nguyên tắc khô cứng, dù có lạc hậu với cuộc sống nhưng vẫn phải áp dụng trong thực tiễn khi nó có hiệu lực. Chỉ qua thực tiễn thi hành, nếu phát hiện những vướng mắc, hạn chế thì mới có căn cứ yêu cầu, kiến nghị cải cách, sửa đổi luật để cho phù hợp hơn.

Chủ quán mua chai Dr Thanh để bán không phải là người tiêu dùng? ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Anh và chai nước có dị vật. Ảnh: TIẾN THÀNH (Tuổi Trẻ)

Phải sửa luật cho phù hợp thực tiễn

Qua quan sát, tôi thấy dư luận phần lớn cũng phản ứng cho rằng “NTD” phải được hiểu theo nghĩa rộng, là người mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ của các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ, cửa hàng cho nhu cầu, mục đích của mình (có thể tiêu dùng hoặc mục đích bán, tặng cho...). Vì vậy, khi các tổ chức kinh doanh có vi phạm đến quyền lợi của “thượng đế” như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Anh thì Luật BVQLNTD phải bảo vệ. Nếu không thì có thể dẫn đến việc lợi dụng hạn chế bất cập của pháp luật, coi thường các quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức; thậm chí dẫn đến việc “tự xử” mang tính vụ lợi của các bên trong quan hệ mua bán. Cuối cùng, thiệt hại vẫn là cộng đồng xã hội phải gánh chịu. Như vậy, có luật cũng như không!

Theo tôi, Luật BVQLNTD là luật chuyên ngành, đã có một số quy định có lợi, đảm bảo quyền lợi cho NTD - người bị thiệt hại, trong việc thực hiện các quyền khiếu nại và khởi kiện đòi bồi thường. Vì vậy, nếu các “thượng đế” bị thiệt hại trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ không được xác định là NTD thì họ sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi đòi quyền lợi.

Từ những hạn chế, bất cập của Luật BVQLNTD, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn hoặc sửa luật theo hướng mở rộng đối tượng NTD như đã phân tích ở trên.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Quy định đã phù hợp, nên tuân thủ

Tôi nghĩ quy định của pháp luật trong trường hợp này là phù hợp. Đây là Luật BVQLNTD thì phải lấy NTD làm chủ thể. NTD  theo tôi hiểu phải là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Nghĩa là người tiêu thụ, sử dụng sản phẩm cuối cùng. Đây cũng là nhóm người yếu thế, cần phải được bảo vệ so với các cá nhân, tổ chức kinh doanh. Còn người mua đi bán lại không phải là NTD mà là người kinh doanh. Nếu họ gặp sự cố thì họ có kênh khác để đòi quyền lợi khác như khởi kiện vi phạm hợp đồng với đối tác của họ… Hội BVQLNTD mà bảo vệ luôn cho một bên trong quan hệ hợp đồng kinh tế thì không thể được vì như thế là không công bằng.

Tôi đề xuất nếu trong trường hợp người mua đi bán lại thấy không thuận tiện cho việc tranh chấp sản phẩm bị lỗi của phía đối tác thì có thể vận dụng phương cách là trao đổi với một khách hàng - là NTD thực sự nào đó, nhờ họ mua sản phẩm. Chính người mua này sẽ đứng ra nhờ Hội BVQLNTD bảo vệ quyền lợi cho họ đối với sản phẩm bị lỗi.

NGUYỄN NGỌC NHÂN, Công ty An Long, TP.HCM

Nhờ hội doanh nghiệp can thiệp

Tôi cũng nghĩ ông Anh là người kinh doanh, không phải NTD. Do vậy không thể nhờ Hội BVQLNTD bảo vệ. Kinh doanh thì có nguyên tắc của kinh doanh, nếu thấy bên kia không giao hàng đúng như giao kết thì chúng ta có thể phạt vi phạm hoặc kiện khi bên cung cấp hàng hóa không chịu thực hiện đúng hợp đồng.

Tôi không biết chúng ta có hội bảo vệ các cơ sở kinh doanh buôn bán, doanh nghiệp hay không. Nếu có thì trường hợp này hội đứng ra bảo vệ hội viên của họ là phù hợp hơn. Nếu chưa có thì cần có định hướng, có quy định để lập ra hội này. Còn lại, chúng ta vẫn cứ giữ nguyên những quy định của luật về BVQLNTD như hiện nay.

LÊ VĂN THÀNH, 31A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm