Dân vui với việc cấp mã số công dân

Sau khi có thông tin cơ quan quản lý nhà nước triển khai đề án cấp mã số công dân hay còn gọi là số định danh cá nhân (Pháp Luật TP.HCM ngày 14-6 đã phản ánh) nhiều bạn đọc đã phản hồi, hoan nghênh cách làm này. Đồng thời, bạn đọc cũng đóng góp nhiều giải pháp để hoàn thiện đề án.

TS CHU HẢI THANH, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp (Cơ sở TP.HCM):

Thuận xu thế hội nhập

Dân vui với việc cấp mã số công dân ảnh 1
Đề án này là một bước phát triển lớn, đáng làm. Thực tế, nhiều nước đã làm từ lâu, có nhiều tác dụng tích cực. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng thì cũng phải từng bước thay đổi theo hướng hiện đại hóa. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thực hiện theo một cách nữa là quản lý thông tin dưới dạng thẻ công dân giống thẻ ATM hiện nay. Lúc ấy chỉ cần cắm thẻ vào máy đọc thì các thông tin sẽ hiện lên để tra cứu, làm hồ sơ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực chúng ta nên để ý tới những khó khăn và lường trước hậu quả của nó. Đó là vấn đề làm sao bảo đảm an ninh mạng. Khi cơ sở dữ liệu của công dân được số hóa và lưu trữ trong hệ thống mạng thì cũng có nghĩa là nó có thể bị cá nhân hay tổ chức khác xâm nhập, lấy cắp để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Về kinh phí để thực hiện dự án cũng như lắp đặt thiết bị và hệ thống Internet đến từng xã bản vùng sâu, vùng cao cũng là một thách thức. Đặc biệt, cũng phải tính đến việc phổ cập cho người dân hiểu và biết sử dụng cách tra cứu trong các giao dịch hằng ngày…

Dân vui với việc cấp mã số công dân ảnh 2

Nếu có mã số cá nhân, các thủ tục giấy tờ sẽ đơn giản hơn, có lợi cho người dân. Ảnh: HTD

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật, ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương):

Làm trước ở một số tỉnh, thành

Trước mắt nên làm ở một số tỉnh, thành rồi mới triển khai rộng cả nước. Cạnh đó, trước khi làm cần khảo sát kỹ về điều kiện cơ sở vật chất, địa bàn và đặc biệt là tham khảo ý kiến người dân. Bởi việc số hóa thông tin cá nhân cần một trình độ dân cư tương đối cao, trong khi tỉ lệ người ở nông thôn và vùng sâu, vùng cao của chúng ta còn nhiều; dân cư phân bố rải rác, nhiều dân tộc, nhiều kiểu tiếng nói, chữ viết khác nhau. Thứ nữa, các thủ tục hành chính dù hiện nay được giảm bớt nhiều nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp khiến việc số hóa sẽ làm cho người dân lúng túng.

Chuyên gia kinh tếLÊ ĐĂNG DOANH:

Thúc đẩy xã hội phát triển

Dân vui với việc cấp mã số công dân ảnh 3
Khi triển khai áp dụng mã số công dân cho người dân, tôi cho rằng nền kinh tế được lợi lớn, bớt được nhũng nhiễu của bộ máy công chức nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển nhanh hơn.

Cụ thể các thủ tục về hành chính được rút ngắn, xã hội không phải tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng, hàng triệu giờ cho việc in ấn, lưu trữ bằng bản giấy và thời gian đi lại của người dân.

Tôi biết trên thế giới nhiều nước cũng đã áp dụng, tiết kiệm nguồn lực to lớn cho xã hội. Lợi ích đã thấy rõ nên giờ chỉ còn là việc sớm áp dụng mã số công dân vào cuộc sống. Việc này là trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Bộ Công an…

Tiết kiệm thời gian, tiền bạc

Hiện nay, mỗi lần ra đường trong ví tôi phải mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân và nếu không may bị mất thì làm lại rất mất thời gian. Mỗi công dân được cấp một mã số riêng để thay thế cho các loại giấy tờ như hộ khẩu, chứng nhận kết hôn, mã số thuế… thì quá tiện. Cái mà tôi thích nhất là không phải mất thời gian đi công chứng, chứng thực giấy tờ liên quan...

TRƯƠNG THỊ NGỌC NGÂN(56 Triệu Nương, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng)

Cần được quản lý chặt

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương trên. Nó sẽ giúp người dân cũng như Nhà nước giảm bớt nhiều chuyện phiền hà. Tuy nhiên, tôi hơi lo lắng về chuyện bảo mật. Liệu trong quá trình quản lý dữ liệu thì có bị mất hay cấp mã số trùng thì có gây phiền hà cho người dân không. Nếu việc cấp mã số công dân được đảm bảo tính chính xác và bảo mật thì quá tuyệt.

NGUYỄN HỮU LÝ
(22/20 Lam Sơn,  phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM)

Nhiều nước làm rất thành công

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết nhiều nước trên thế giới sử dụng mã số công dân (MSCD - số định danh cá nhân, mã số cá nhân) rất thành công. Các nước cấp MSCD từ khi công dân sinh ra: Áo, CHLB Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Chile, Hàn Quốc, Thái Lan... Một số nước và vùng lãnh thổ khác thì cấp MSCD khi công dân đến một độ tuổi nhất định: Trung Quốc (16 tuổi), Tây Ban Nha (14 tuổi), Đài Loan (14 tuổi), Hong Kong (11 tuổi)... Có một số nước không cấp MSCD mà sử dụng chung mã số của một ngành để thực hiện một số dịch vụ hành chính khác: Pháp, Thụy Sĩ sử dụng số an sinh xã hội; Ý dùng mã số thuế...

Tại các nước phát triển, trung tâm dữ liệu quốc gia (Thụy Điển, Đan Mạch, Áo...) tập trung quản lý về dân cư với các thông tin cơ bản: họ, tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, quốc tịch, địa chỉ, tình trạng nhân thân... Đây là nền tảng quan trọng xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giảm chi phí giao dịch cho xã hội.

Tại Pháp, công dân sinh ra được cấp số an sinh xã hội (INSEE, NIR) có 15 chữ số chứa các thông tin cơ bản: giới tính, năm và tháng sinh, mã vùng sinh, số đăng ký khai sinh. Số NIR được sử dụng chủ yếu trong một số lĩnh vực: bảo trợ xã hội, thuế, giáo dục... Để tránh việc sử dụng thông tin cá nhân vào mục đích khác với mục tiêu quản lý dân cư, ủy ban quốc gia về tin học đã không sử dụng một mã số công dân (mã số cá nhân) duy nhất để định danh cá nhân…

BÌNH MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm