Giám định kiểu "trớt hướt"!

Năm 2007, ông T. (quận Tân Bình, TP.HCM) gửi đơn kiện cha dượng đến TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) để tranh chấp di sản thừa kế và tranh chấp quyền sở hữu tài sản của mẹ ông để lại. Tòa án này đã trưng cầu giám định chữ ký của mẹ ông trong các loại giấy tờ như di chúc, giấy thỏa thuận, giấy tặng cho tài sản… có phải là thật hay không nhưng kết quả lại không rõ ràng.

Ông T. kể: Cha mẹ ông ly hôn năm 1977 và bốn chị em ông đều sống với cha. Cha ông đã giao căn nhà chung của vợ chồng ở TP Đà Lạt cho mẹ ông sử dụng. Sau đó, mẹ ông lấy người khác và mất vào cuối năm 2007. Người này giữ toàn bộ tài sản của mẹ ông để lại gồm tiền gửi trong ngân hàng, xe ô tô… và cả căn nhà chung mà cha ông đã giao cho mẹ ông sử dụng nói trên. Không đồng ý chia số tài sản đó cho ông T., người này đã xuất trình cho tòa bản di chúc, các giấy tờ tặng cho tài sản mà mẹ ông đã ký trước khi mất. Nghi ngờ đó là các giấy tờ giả nên ông T. đã đề nghị tòa trưng cầu giám định.

Giám định kiểu "trớt hướt"! ảnh 1

Để giúp tòa án có căn cứ giải quyết vụ việc, cơ quan giám định phải có kết luận giám định đúng với nội dung yêu cầu giám định. Ảnh minh họa: CTV

Tháng 4-2011, TAND TP Đà Lạt trưng cầu giám định tại Phòng Khoa học hình sự (Bộ Quốc phòng) với nội dung “so sánh chữ ký của mẹ ông T. trong bản di chúc, giấy gửi tiền, thẻ tiết kiệm, giấy thỏa thuận… với chữ ký của người cha dượng có phải do cùng một người ký ra hay không?”. Tháng 7-2011, phòng này kết luận cả hai do cùng một người ký ra. Như vậy, có thể hiểu các loại giấy tờ nêu trên do người cha dượng ký.

Đầu năm 2012, không chấp nhận kết luận này, người cha dượng đã yêu cầu tòa án trưng cầu giám định ở cơ quan khác. Tòa án chấp thuận và đã trưng cầu giám định cùng một nội dung như trên tại Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an). Tuy nhiên, viện không đề cập đến nội dung tòa án đã yêu cầu mà chỉ kết luận chữ ký khác dạng và cũng không chú thích gì thêm.

Lẽ ra phải yêu cầu cơ quan giám định giải thích rõ rồi mới tiến hành xét xử nhưng TAND TP Đà Lạt vẫn đưa vụ án ra xét xử vào tháng 9-2012. Tại phiên tòa, ông T. phát hiện giấy ủy quyền của cha ông (do phía người cha dượng cung cấp) có dấu hiệu chỉnh sửa, thêm thắt bằng mực đỏ. Ông đã đề nghị hoãn phiên tòa để giám định giấy tờ này. Đồng thời, ông cũng yêu cầu tòa án làm rõ kết luận của Viện Khoa học hình sự.

Theo Pháp lệnh Giám định tư pháp và nay là Luật Giám định tư pháp, cơ quan giám định phải trả kết luận giám định đúng với nội dung yêu cầu giám định. Nếu không rõ thì tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định. Ở đây, tòa án đã yêu cầu giám định chữ ký có phải của một người ký thì kết quả chỉ có thể là “không” hoặc “cùng một người ký”. Nếu từ khác dạng được hiểu là do cùng một người ký thì trùng với kết luận ban đầu. Nhưng nếu hiểu từ này theo nghĩa không do cùng một người ký thì kết luận sau mâu thuẫn với kết luận trước. Việc giám định lại lần thứ hai do cơ quan trưng cầu quyết định và do Hội đồng giám định thực hiện.

Luật sư TRẦN VĂN VIỆT  (Đoàn Luật sư TP.HCM)

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm