Mỏi mòn chờ được giao con sau gần 2 năm ly hôn

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà ĐTTS (ngụ phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) thông tin về việc gần hai năm nay, bà luôn trông chờ một ngày được đón con về nhà chăm sóc sau cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Thế nhưng, lần nào cơ quan thi hành án (THA) thực hiện THA giao con cho bà thì người cha của đứa con dẫn đi đâu mất, không liên lạc được.

Bà S bên đống hồ sơ sau gần hai năm chưa được giao con theo bản án
của tòa. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cưỡng chế giao con không thành

Theo bà S trình bày, bà và ông T kết hôn từ năm 2011 và có với nhau hai đứa con trai, bé lớn sinh năm 2013 và bé nhỏ sinh năm 2015. Trong quá trình chung sống, bà S và ông T xảy ra nhiều mâu thuẫn.

Cuối năm 2019, bà S dẫn hai đứa con về nhà mẹ ruột sinh sống và chuẩn bị thủ tục ly hôn với ông T. Hai bé trai ở bên ngoại được vài tháng thì mẹ ông T yêu cầu bà S dẫn về chơi và hai bé ở với cha từ đó đến nay.

Tháng 8-2020, TAND TP Thủ Dầu Một tiến hành xét xử sơ thẩm bản án ly hôn giữa nguyên đơn là bà S và bị đơn là ông T. Sau đó, tòa ra quyết định đồng ý cho bà S và ông T ly hôn. Về phần con chung thì ông T nuôi bé lớn, bà S được nuôi bé nhỏ tên Th.

Đến tháng 12-2020, ông T kháng cáo và yêu cầu tòa chấp nhận cho ông được quyền nuôi cả hai đứa con. Theo bản án 49/2020 của TAND tỉnh Bình Dương, tòa này vẫn tuyên mỗi người nuôi một đứa con.

Tháng 1-2021, Chi cục THA TP Thủ Dầu Một đã ra quyết định THA. Đến tháng 5-2021, Chi cục THA TP Thủ Dầu Một ra quyết định cưỡng chế, buộc ông T phải giao bé Th cho người mẹ là bà S nuôi dưỡng. Tuy nhiên, tại buổi cưỡng chế, ông T và bé Th không có mặt tại nơi ở nên việc cưỡng chế giao con không thành.

Không chấp hành án có thể bị phạt đến 5 năm tù

Điều 380 BLHS quy định người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm…

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

Luật sư TRỊNH NGỌC HOÀN VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM 

Gần hai năm chưa được giao con

Bà S cho biết khi quyết định ly hôn, bà đã suy nghĩ rất nhiều và điều bà đau lòng nhất là các con không có một gia đình trọn vẹn như bao đứa trẻ khác.

“Tôi tự hứa với lòng sẽ dành tất cả tình thương cho hai đứa con để bù đắp những thiệt thòi cho con tôi. Vì thế, chuyện đón con về là niềm vui lớn nhất và giây phút được giao con tôi trông chờ từng giờ, từng ngày. Vậy mà gần hai năm nay, tôi vẫn chưa được nhận con” - bà S tâm sự.

Cũng theo bà S, hơn một năm nay, không đêm nào bà được ngủ yên giấc vì nhớ con. Tính đến thời điểm này, cơ quan THA đã có hơn năm văn bản thông báo cưỡng chế giao con. Thế nhưng những lần ấy, ông T đều dẫn các con đi mất.

“Nếu như bản án của tòa được thực thi thì giờ này tôi đang ôm con vào lòng, chứ không phải ôm đống hồ sơ đi kiện tụng khắp nơi. Tôi cũng đã cầu cứu từ UBND, công an phường nơi ông T ở để cho tôi thăm con nhưng đều không được. Hiện tại tôi đã bất lực, không biết trông chờ vào đâu để tôi được nuôi đứa con nhỏ và được thường xuyên thăm đứa con lớn” - bà S chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 9-12-2021, Cục THA dân sự tỉnh Bình Dương đã ra quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T với hành vi không thực hiện việc giao cháu Th cho bà S trực tiếp nuôi dưỡng với tiền phạt là 3 triệu đồng.

Gần đây nhất, ngày 12-1, Chi cục THA TP Thủ Dầu Một cũng đã lập biên bản THA về việc cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người trực tiếp nuôi dưỡng. Cụ thể, ông T không có mặt tại nơi ở và đi đâu cũng không rõ thời điểm, mặc dù trước đó ông T đã được cơ quan THA thông báo hợp lệ.

Liên quan đến việc THA giao con theo bản án 49/2020 của TAND tỉnh Bình Dương, PV đã liên hệ Cục THA dân sự tỉnh Bình Dương để tìm hiểu nguyên nhân và hướng xử lý sắp tới. Cục THA dân sự tỉnh Bình Dương cho biết đang kiểm tra sự việc, sẽ phản hồi đến cơ quan báo chí trong thời gian sớm nhất.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao ông T không thực hiện giao bé Th cho bà S nuôi dưỡng, ngày 31-12-2021, PV đã tìm đến địa chỉ thường trú của ông T. Tại đây, một bà cụ được cho là mẹ của ông T cho biết ông T không có ở đây và đã đưa hai con ra nước ngoài sinh sống.

Tuy nhiên, sau khi chúng tôi hỏi đi nước nào và đi từ bao giờ thì bà cụ chỉ trả lời đi đâu bà không biết. •

Sổ tay

Vì con, xin người lớn đừng hơn thua, ích kỷ!

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, dù đồng tình hay vì một lý do nào khác thì những người lớn rồi cũng sẽ tìm được một cuộc sống mới cho mình. Thế nhưng, những đứa trẻ ít nhiều cũng sẽ gặp những tổn thương nhất định.

Sẽ càng bất hạnh hơn khi trẻ con phải chứng kiến những cuộc chiến giành quyền nuôi con từ người lớn.

Trên thực tế, đã có rất nhiều cuộc tranh giành con giữa người cha, người mẹ như thế. Người tổn thương nhất sẽ không phải là người cha hay mẹ, mà chính là núm ruột họ đã tạo ra.

Chúng ta cần hiểu rằng con cái không phải là một thứ tài sản thi hành án để rồi khi người cha hoặc người mẹ không chấp hành án thì cưỡng chế là xong. Bởi trẻ con cũng có cái nhìn của riêng mình, cũng có cảm xúc, tình cảm riêng. Trong nhiều trường hợp, việc tuân thủ theo phán quyết đã có hiệu lực của tòa là cách tốt nhất để giảm thiểu nỗi đau của con trẻ. Nếu người lớn cứ hơn thua, ích kỷ và chỉ muốn cho riêng mình thì tâm hồn trẻ càng dễ bị tổn thương.

Bên cạnh những cuộc chiến tranh giành con sau ly hôn, thực tế cũng có những cuộc chia tay trong êm thấm, vì con. Dù không còn cùng nhau đi chung một con đường nhưng họ lại có chung trách nhiệm với con. Tuy không trọn vẹn như bao người khác nhưng các con của hậu ly hôn cũng được sự quan tâm của cả cha lẫn mẹ. Bởi trong câu chuyện này, sự phát triển tốt nhất cho đứa trẻ mới là trọng tâm, cốt lõi.

VÕ HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm