Nhà đang xây lại bị đập phá

Ông Nguyễn Hữu Thực (ngụ 135/1, khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) có miếng đất rộng hơn 700 m2, nằm tiếp giáp mặt đường. Năm 2006, căn cứ vào xác nhận của hộ phía sau về ranh giới đất, UBND quận 12 đã cấp cho ông Thực “giấy đỏ” miếng đất trên. Sau đó, khi ông Thực xây nhà thì hộ phía sau đã khiếu nại ông Thực xây dựng lấn lối đi chung dọc theo thửa đất. Vậy nên UBND quận 12 đã thu hồi “giấy đỏ” để chỉnh sửa diện tích đất. Không đồng ý với cách xử lý này, ông Thực đã khiếu nại.

Năm 2007, sau khi bị UBND quận bác đơn khiếu nại, ông Thực đã làm thủ tục khởi kiện UBND quận ra tòa. Tháng 8-2008, tại phiên xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên hủy quyết định thu hồi “giấy đỏ” của UBND quận 12. Theo nhận định của tòa này, không hề có lối đi chung trên đất của ông Thực. Trước đây, cha ông Thực có mở lối cho hộ phía sau chở vật liệu vào xây nhà nên đó là lối đi nội bộ trên đất của ông Thực.

Thế rồi hộ phía sau bán đất của mình cho bà Nguyễn Thị Phượng. Về phần mình, ông Thực xây dựng nhà ở theo đúng giấy phép xây dựng đã được quận cấp và bít lại lối đi trước đây. Bất ngờ, vào ngày 26-3, vợ chồng bà Phượng dắt theo 10 người cầm búa đập sập tường nhà ông Thực. Vụ việc đã được Công an phường Thạnh Xuân lập biên bản vào chiều cùng ngày.

Tiếp đó, ngày 28-3, bà Phượng lại cho xe chở đá băng qua công trình đang xây dựng của ông Thực. Chưa hết, bà Phượng còn tiếp tục đập phá cửa ra vào thuộc công trình xây dựng của ông Thực...

Phóng viên đã đến công trình của ông Thực và ghi nhận có mảng tường bị đập bể, gạch vụn vương vãi. Theo ước tính của ông Thực, diện tích tường nhà bị đập hơn 50 m2; thiệt hại sơ bộ qua các lần đập phá khoảng sáu triệu đồng.

Làm việc với phóng viên, ông Lý Phương Hòa, thanh tra xây dựng phường Thạnh Xuân, cho biết hộ ông Thực đã xây dựng nhà đúng giấy phép. Tuy nhiên, do VKSND tối cao vừa có quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm nên chính quyền đã tạm đình chỉ việc xây dựng của ông Thực để chờ phán quyết của TAND tối cao.

Trung tá Mai Văn Luông, Phó Trưởng Công an phường Thạnh Xuân, cũng cho biết cơ quan này đã mời bà Phượng đến làm việc hai lần. Công an phường đã tổ chức giám định những thiệt hại liên quan đến việc đập phá để có cơ sở xử lý phù hợp. Bởi lẽ theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác từ năm trăm ngàn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản với mức phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Hiện công an phường đã chuyển hồ sơ vụ việc đến công an quận xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm