Nỗi lòng những cư dân sống cạnh nghĩa địa Bình Hưng Hòa

Chiều chạng vạng, nghĩa địa Sòng Sơn nằm vắt ngang đường Tân Kỳ - Tân Quý thuộc địa phận phường Bình Hưng Hòa, gần khu vực Nhà hỏa táng, đón khách trong cảnh u tịch. Nơi đây có gần 700 ngôi mộ mới lẫn cũ, không ít ngôi mộ được những cư dân vô gia cư ngày tản mác mưu sinh, chiều về lấy đó làm nơi tá túc.

Nỗi lòng những cư dân sống cạnh nghĩa địa Bình Hưng Hòa ảnh 1

Cảnh sống và mưu sinh nơi nghĩa địa.

Vừa trở về "nhà" sau ngày dài mót nhặt phế liệu, như mọi hôm, bà Sáu Gái lầm lũi trải một miếng bạt lên giữa lối đi cách 2 ngôi mộ rồi ngồi bó gối nhìn kẻ lại người qua. Ở tuổi 52, bà Gái cho biết sinh sống tại nghĩa trang này hơn 10 năm qua: "Tôi quê ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm 1980, mà gia đình tôi lưu lạc sang Nam Vang (Phnôm Pênh), sau đó tản mác mỗi người một nơi. Ở bên đó được gần chục năm, tôi tìm đường về nước sống lang bạt khắp nơi rồi cuối cùng dừng chân ở nơi này".

Cách "ngôi nhà" của bà Sáu vài mươi ngôi mộ là "nhà" của anh Quân. Mới tuổi 30 nhưng trông anh như người bước sang tuổi tứ tuần với gương mặt nhiều nếp nhăn. Không như bà Sáu và một số cư dân nghĩa địa khác, với Quân, mả mồ nơi đây vừa là nhà, vừa là kế sinh nhai. Chỉ tay về phía chiếc bàn ọp ẹp bày la liệt kính mát các loại, Quân bảo: "Từ đó đến nay tôi sống bằng nghề bán kính mát vỉa hè. Chịu cực một chút nhưng đỡ tiền thuê trọ. Bán đến tối thì tôi gom tất cả bỏ vào giỏ xách rồi ôm mà ngủ".

Nghĩa địa Bình Hưng Hòa trải dài địa bàn 2 phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Nơi đây có khoảng 70.000 ngôi mộ. Năm 2008, thành phố có kế hoạch đến năm 2011 sẽ cải táng, di dời nghĩa địa Bình Hưng Hòa về Nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) và nghĩa trang Hóa An (tỉnh Đồng Nai) nhưng vì nhiều lý do, kế hoạch đành gác lại. 

Xuyên suốt các nghĩa địa ở Bình Hưng Hòa, chúng tôi gặp rất nhiều cảnh đời sống "ký sinh" bên những mả mồ. Đó là chị Loan bán nhang đèn, chị Hà quét dọn mồ mả, ông Bảy Thái chuyên dãy cỏ khi có thân nhân người quá cố yêu cầu, anh Mười Hùng bán vàng mã, bà Sáu Minh chuyên nhặt phế liệu…

Theo các cư dân "thành phố buồn", người cư trú ở nghĩa địa Bình Hưng Hòa lâu nhất là ông Trần Văn Sến, thường gọi là ông Hai Sến. Bên hông mái nhà ọp ẹp được kê từ bức tường ngăn cách nghĩa địa Phật Học với con đường Bình Long, ông Hai bấm đốt ngón tay, bảo: "Hai năm nữa chẵn ba chục năm qua tôi ở nơi này". Rồi ông kể chuyện: "Sinh qua được 3 tháng thì bà già chết do bom đạn chiến tranh. Từ nhỏ qua sống lang bạt khắp lục tỉnh rồi dạt về Bình Hưng Hòa vào năm 1972. Mù chữ, không vốn liếng, tay nghề, không người thân thích nên qua chỉ biết sống bằng nghề đào mồ, bốc cốt, xây mộ, trông mã, bán nhang đèn, nhặt phế liệu… Nói chung ở nghĩa địa làm được gì để sống thì qua làm tất".

Sống ở Bình Hưng Hòa là phải chấp nhận cảnh sống tạm bợ, là ngày lại ngày ăn uống kham phổ, hít thở đủ thứ bụi bặm, mùi xú uế, uống nước nhiễm bẩn… nên những cư dân thành phố buồn đều gầy ốm, nhợt nhạt, thiếu sức sống.

Nhưng mưa gió, bụi bẩn… không phải là mối quan ngại với cư dân thành phố buồn. "Ớn nhất là gặp bọn côn đồ say thuốc chú ơi!" - ông Hai nói. Trong trí nhớ của ông, nghĩa địa Bình Hưng Hòa những năm trước chỉ có luật rừng của những anh Ba, chủ Bảy nghiện hút - chích ngự trị: "Hồi đó con nghiện nhiều lắm, nhìn đâu cũng thấy tụi nó sống bầy đàn, hút chích công khai. Ở đây ai cũng quen với chuyện đang nửa đêm bị các đại ca dựng đầu dậy bắt đóng tiền bãi, xin tiền phi thuốc. Bây giờ tình hình đỡ hơn trước nhiều lắm do các anh Công an làm mạnh bắt đưa đi cai nghiện, lớp nghiện hút chích chết nhiều vì bị chuyển AIDS".

Ngày, nghĩa địa Bình Hưng Hòa trông có vẻ bình yên. "Thế giới chết" ấy chỉ "sống" khi đêm đến, khi những con người nghèo khó sau ngày dài tản mác mưu sinh quay trở về dựa lưng giữa bạt ngàn mộ chí. Trong từng giấc ngủ chập chờn vì cái lạnh của sương đêm và nỗi lo bị phường côn đồ say thuốc "ghé thăm", chắc hẳn những người còn trẻ tuổi như anh Mười, anh Quân, chị Hà… hay như ông Hai, bà Sáu… những người ở tuổi xế chiều đều mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chị Nguyễn Thị Bang, Trưởng ban Dân số phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân):
Do tôi mới nhận việc nên không rõ thực trạng người nhập cư lấy nghĩa trang làm nhà. Nhưng điều mà ai cũng thấy là có không ít người sống bằng nghề buôn bán tại khu vực nghĩa trang… Có người sống và chết cũng tại nơi này. Vợ chồng ông Hai Sến là ví dụ. Cách đây 1 năm, vợ ông Hai qua đời và hiện ông sống một mình, sống bằng sự giúp đỡ của những người đi tảo mộ hoặc ngày ngày đi qua khu vực nghĩa trang... Những cảnh đời như thế rất cần được sẻ chia từ cộng đồng! (H.K)

 
 Theo T.D (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm