Phạt nhiều chưa chắc dân đã... ngán!

Trong năm 2009, cảnh sát giao thông thành phố đã lập biên bản hơn 1,3 triệu trường hợp vi phạm luật giao thông, hơn 1,2 triệu trường hợp đã thực hiện quyết định phạt với tổng số tiền phạt hơn 160,5 tỉ đồng. Những con số khổng lồ trên do Công an TP.HCM đưa ra tại hội thảo về văn minh đô thị do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức mới đây.

Qua đó có thể thấy sự nỗ lực của cảnh sát giao thông thành phố đã phải chong mắt bắt quả tang và viết mỏi cả tay để xử lý số vụ vi phạm khổng lồ đó. Đó là chưa nói còn rất, rất nhiều trường hợp khác cũng vi phạm nhưng cảnh sát giao thông không kiểm soát hết được hoặc xử phạt không xuể!

Ở thành phố có dân số lớn nhất cả nước và được coi là hiện đại như TP.HCM thì các con số này không thể chấp nhận được.

Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp như lắp đặt thêm camera, tăng quân số cảnh sát giao thông, tăng mức phạt lên nhiều lần, thông báo cho các công ty bảo hiểm những trường hợp tái phạm để tăng giá bảo hiểm lên gấp nhiều lần, hoặc rút hẳn bằng lái và cấm lái xe vĩnh viễn đối với người tái phạm nhiều lần… để răn đe tới nơi tới chốn. Các giải pháp đó thiên về trừng trị hơn là giáo dục. Nếu áp dụng, tôi dám chắc con số vi phạm bị phạt còn tăng lên cao chót vót mà chưa chắc người dân đã… ngán vi phạm.

Trong khi đó một đề xuất của thượng tá Võ Văn Vân, Phó phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM mà tôi rất tâm đắc: Đối với nhiều trường hợp vi phạm nhỏ lần đầu và do sơ ý thì nên nhắc nhở người vi phạm rồi… tha sẽ có hiệu quả cao hơn là ghi biên bản phạt họ. Bởi vì làm thế sẽ khiến người dân thấy được sự khoan dung của pháp luật và học được bài học khó quên về luật giao thông.

Một ý kiến khác mà tôi hoàn toàn nhất trí là cách phạt quan trọng hơn số tiền phạt. Nên chăng ngành công an cho thay đổi cung cách phạt theo hướng buộc cảnh sát giao thông cư xử văn minh, lịch sự hơn với dân. Chẳng hạn sau khi chào dân, vị cảnh sát giao thông sẽ xưng tên tuổi, chức vụ, đơn vị công tác và đem theo cuốn luật giao thông để chỉ cho người dân thấy được họ vi phạm điều khoản nào, mức phạt bao nhiêu. Sau khi lập biên bản xong, cảnh sát giao thông cần lịch sự “thòng” thêm câu: “Chào ông/bà/anh/chị/em. Mong ông/bà/anh/chị/em không vi phạm luật giao thông nữa”. Và cần cải tiến thủ tục nộp phạt thông qua thẻ ATM hoặc tài khoản ngân hàng thay vì phải xếp hàng chen chúc tốn thời gian nộp phạt trực tiếp tại các đội cảnh sát giao thông.

Làm sao để sang năm mới 2010, người dân thành phố sẽ phải tròn xoe mắt ngạc nhiên trước số vụ vi phạm giao thông và số tiền phạt đột nhiên tụt hẳn xuống vì người dân "không thèm vi phạm nữa" thì công tác quản lý giao thông mới thực sự thành công. Cái đó phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh, cung cách phạt của cảnh sát giao thông.

BÌNH AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm