Quyền tự do ngôn luận: Luật quy định ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau sự việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, nhiều bạn đọc thắc mắc ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và hành vi lạm dụng quyền này để xâm phạm quyền, lợi của cá nhân, tổ chức.

Chúng tôi đã có buổi trao đổi cùng Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM về vấn đề này.

+ Phóng viên: Quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ, kể cả trên không gian mạng. Thế nhưng, việc thể hiện quyền này như thế nào cho đúng trong cuộc sống và trên mạng xã hội thì không phải ai cũng nắm rõ vấn đề. Thưa luật sư, đâu là giới hạn pháp luật quy định như thế nào về quyền tự do ngôn luận? Thực hiện quyền tự do ngôn luận khác với việc lạm dụng nó để xâm phạm quyền, lợi của cá nhân, tổ chức ra sao?

. Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo: Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy theo quy định của Hiến pháp “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tự do ngôn luận khác với việc tùy tiện vu khống, bôi nhọ, xâm hại đến cá nhân, tổ chức. 

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo

Tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng phải tuân thủ quy định chung của Luật An ninh mạng. Tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: Phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật…

Cụ thể hơn, Nghị định 15/2020 đã quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Tại Điều 101 của Nghị định 15/2020 đã quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội…

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có hiệu lực từ ngày 17-6-2021 cũng ghi nhận quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân như không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật...

Như vậy, mọi hành vi tự do ngôn luận nhưng vi phạm điều cấm của pháp luật đã kể trên đều là vi phạm pháp luật. Do đó, mọi người thể hiện quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân thủ giới hạn mà pháp luật quy định, không thể sự dụng quyền này để công kích, xúc phậm đến tổ chức, cá nhân khác.

Theo luật sư, để hạn chế tình trạng tấn công cá nhân trên mạng xã hội thì cần thêm những giải pháp nào? 

. Trước tiên,  các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TT&TT, chính quyền các địa phương cần thắt chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động diễn ra trên không gian mạng, nhanh chóng, kịp thời xử lý nghiêm minh các vi phạm.

Với mức độ phổ biến của livestream, cơ quan chức năng cần giám sát việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã.  Những quy chuẩn cụ thể đã được ban hành, người tham gia cần biết tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình sao cho phù hợp. Trước khi muốn truyền tải nội dung gì cũng phải cân nhắc để không vi phạm các quy chuẩn cho phép. Đồng thời, người tham gia mạng xã hội dựa vào quy tắc chung để có căn cứ đề xuất, xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật.

Bên cạnh đó, các trang công nghệ như Youtube, Facebook… cần có trách nhiệm sàng lọc nội dung, gỡ ngay các clip, livestream có nội dung vi phạm.

. Xin cảm ơn bà!

Mỗi người dùng mạng xã hội cần hiểu luật

Bên cạnh Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình thì Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Hiện nay các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận chủ yếu diễn ra trên môi trường mạng. Chính vì vậy mà một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 đã nói rõ nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Đồng thời theo Điều 3 Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ TT&TT cũng quy định rõ người dùng mạng xã hội phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội.

Nói tóm lại các hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều sẽ bị xử lý. Nhẹ thì bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng (điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020). Nặng thì bị xử lý hình sự với khung hình phạt lên đến 7 năm tù (Điều 331 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). 

Do đó, mỗi người dùng mạng xã hội cầnnhững phải hiểu điều này để không tự biến mình thành người phạm luật, gặp những rắc rối không đáng có.

Luật sư ĐẶNG TRƯỜNG THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm