Siết đào tạo sao bằng siết đạo đức

“Từ nay tới tháng 11, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện và ban hành quy định mới nhằm siết chặt việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe”, đó là tin vui đối với toàn xã hội, nhất là những người phải thường xuyên tham gia giao thông. Hy vọng rồi đây sẽ không còn những vụ tai nạn thương tâm do các tài xế lái ẩu gây ra.

Dẫu đã qua rồi thời buông lỏng việc đào tạo lái xe song hệ lụy của nó thì vẫn còn đó. Mới chiều kia, tôi đi xe máy từ đường Hoàng Văn Thụ muốn rẽ trái qua đường Xuân Hồng, dù đã bật đèn và đưa cả tay xin đường trước đó hơn cả trăm mét nhưng không tài nào qua đường được. Tôi buộc phải dừng lại bên này đường, ngao ngán nhìn “đồng nghiệp” mình lái những chiếc xe tải bấm còi tranh đường inh ỏi, lao xe sát rạt vào nhóm người đi bộ đang băng qua đường làm họ sợ tái mét mặt! Làm nghề lái xe, tôi không thể nào hiểu nổi tại sao lại có những tài xế xem thường sinh mạng người khác đến vậy.

Siết đào tạo sao bằng siết đạo đức ảnh 1

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những điều cốt lõi của một tài xế cần được nhà trường tôi rèn ý thức. Ảnh: HTD

Cho tôi được đề cập đến việc đào tạo nghề tài xế thời trước. Hồi ấy, không riêng gì các thầy cô mà cả những người có liên quan đã dạy cho chúng tôi có cái nhìn đúng đắn vào nghề nghiệp của mình. Nghề này đầy nguy hiểm tiềm ẩn, chỉ sơ sểnh một giây là gây họa cho mình và cho người khác, không những ở phía trước, mà xung quanh tay lái mình là sinh mạng, là cuộc sống của bao người. Tôi nhớ hồi ấy, sau khi học xong lý thuyết cơ sở, bước sang thực tập tay lái, nhà trường tiến hành kiểm tra sức khỏe học sinh lần cuối, có một bạn bị loại vì không đạt. Bạn ấy buồn lắm. Nhưng sau khi được cô y sĩ khám bệnh phân tích thiệt hơn về sự tương quan giữa sức khỏe và nhiệm vụ của người tài xế đối với xã hội thì bạn ấy tươi tỉnh lại, yên tâm chuyển sang học nghề khác. Vợ thầy giáo dạy lái dù làm nghề khác nhưng ngày chúng tôi ra trường, khi mời cả lớp đến nhà chiêu đãi đã ân cần dặn dò: “Nhớ nhẹ chân ga và cầm chắc tay lái!”.

Sau này ra trường, dù học trường nào, khi gặp nhau trên đường chúng tôi đều tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Việc tranh nhau từng tấc đường như các tài xế hiện nay được cho là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Theo quy định của Bộ GTVT thì các trường dạy lái phải có đủ cơ sở vật chất từ sân bãi, xe dùng tập lái đến trang thiết bị dạy học; các môn lý thuyết phải sát đề cương quy chuẩn… Với cái nhìn của một lái xe thâm niên, tôi thấy tất cả điều ấy là cần thiết cho việc đào tạo. Nhưng tôi lại thiển nghĩ điều cốt lõi của một tài xế là phải được nhà trường tôi rèn ý thức, đạo đức nghề nghiệp thật tốt. Để đào tạo được những tài xế như vậy cần phải có sự quan tâm và trách nhiệm của cả xã hội, đặc biệt là những người có liên quan. Thí dụ như trước khi cho con em mình tới trường học lái, gia đình cần cân nhắc tâm tính, đạo đức người học có phù hợp với nghề tài xế hay không. Các y bác sĩ đừng dễ dãi trong việc khám sức khỏe cho học viên; các thầy dạy lái và cả nhà trường đừng lấy lợi nhuận làm đầu trong khâu đào tạo…

TRẦN KIÊM HẠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm