Tan hoang vùng ngập nước

Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở ấp 4, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) phải cắn răng chịu đựng cảnh mỗi lần mưa xuống, nước từ trên đầu nguồn chảy dồn về gây ngập ruộng vườn, nhà cửa.

Cây ăn trái, vật nuôi chết sạch

Theo bà con, trước đây không có chuyện ngập nước vì đầu nguồn có trồng nhiều cây để che chắn, chống sạt lở đất, cát. Mỗi khi trời mưa, nước chảy theo mương Suối Cạn đổ ra sông. Đất đai ở đây rất màu mỡ, người dân trồng chôm chôm, sầu riêng, mít, măng cụt… rất sai trái. Ông Nguyễn Ngọc Khánh kể: “Hồi đó, nhà nào có khoảng 1 ha vườn cây ăn trái thì có thể nuôi cả gia đình tám người và cho các con ăn học đến nơi đến chốn”.

Khoảng năm 2003, khi địa phương có dự án Khu công nghiệp 6 (KCN 6), chủ đầu tư đã chặt phá hàng trăm hecta cây cối trên đầu nguồn rồi san lấp mặt bằng xây dựng. Những năm sau đó, mỗi khi có mưa thì đất, cát nơi đây bị sạt lở, trôi theo nước mưa làm đầy mương Suối Cạn. Do không thoát kịp nên nước mưa đã gây ngập sâu ruộng vườn, nhà cửa tại đây khiến cây ăn trái chết, đồ đạc trong nhà hư hỏng.

Tan hoang vùng ngập nước ảnh 1

Để đối phó với nước ngập, người dân phải xây trụ để nâng cao đồ đạc trong nhà. Ảnh: T.NHÂN

Bà con cho biết mưa nhỏ thì nước ngập vào nhà cao khoảng nửa mét; mưa lớn thì ngập 1 m hoặc hơn. Nước ngâm lâu 2-4 tiếng đồng hồ mới rút hết. Người dân phải xây trụ gạch lên cao để đặt vài đồ đạc thiết yếu như tủ lạnh, bàn tivi, tủ thờ… Đối với chỗ ngủ, có nhà phải làm thêm gác lửng bằng gỗ hoặc xây nền cao bằng gạch, có nhà chỉ kê sơ sài vài chân trụ gỗ. Riêng những đồ đạc khác như bộ bàn ghế tiếp khách… phải xếp lại treo cao trong xó nhà.

“Mỗi lần mưa ngập cực khổ lắm, chú ơi! Tụi tui vừa xịt rửa đất bùn xong thì mai mưa ngập tiếp và một ngày có khi bị đến vài ba đợt như vậy. Năm nào tụi tui cũng phải bỏ tiền ra sửa chữa nhà, bàn ghế, nâng cấp nền… tốn kém lắm. Tui đang tìm người bán đất để đi nơi khác sống nhưng họ trả giá thấp quá nên chưa thể ” - ông Hạ than thở.

Chỉ ra mảnh vườn (hơn một công đất) cỏ dại mọc um tùm, vợ chồng ông Võ Văn Hạ buồn rầu: Trước đây, gia đình ông trồng cây ăn trái và nuôi vài chục con gà, đủ chi tiêu hằng ngày và còn dư được một ít để dành khi bệnh tật. Nay vợ chồng ông lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau, phải sống dựa vào các con đang đi làm công nhân.

Tương tự, gia đình ông Phan Thanh Đông từng khá giả với hơn 1 ha đất vườn nhưng giờ cũng mất trắng. “Trận ngập lần đầu tiên lớn và bất ngờ khiến tụi tui không thể nào trở tay kịp. Thế là tivi, tủ lạnh, chén đĩa, gà, vịt… bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi tất cả ra sông” - ông Đông nhớ lại.

Khi nào mới khắc phục?

Một lãnh đạo UBND phường Long Thọ thừa nhận có sự việc xảy ra như trên. Xã đã nhiều lần cùng huyện nạo vét đất, cát để khơi mương Suối Cạn. Mỗi lần mưa xuống, xã cử lực lượng xuống túc trực hỗ trợ dân di dời tài sản; sau khi nước rút thì rửa nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc cho bà con…

Ông Nguyễn Quang Nhân, Phó phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, thông tin: Năm nào huyện cũng chỉ đạo nạo vét ở mương Suối Cạn. Như vào mùa mưa năm 2011, Phòng Kinh tế còn tổ chức đào thêm hai mương và đê nhằm điều tiết bớt nguồn nước đổ về Suối Cạn. Tuy nhiên, chỉ sau một cơn mưa lớn thì mọi thứ trở lại như cũ. Trước tình hình này, tỉnh đã phê duyệt dự án thi công đường thoát nước nối từ KCN 6 đến rạch Cái Sình do Ban Quản lý dự án thoát nước Đồng Nai (trực thuộc Sở Xây dựng tỉnh) làm chủ đầu tư. Hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thực hiện gần xong. Nếu không có gì trục trặc thì vào quý IV-2012 chủ đầu tư sẽ tiến hành thi công và vào mùa mưa năm sau thì dự án sẽ được đưa vào sử dụng. Đồng thời, huyện cũng đã đề nghị các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN 6 phải có biện pháp che chắn không để lượng đất, cát tiếp tục sạt lở.

“Về những thiệt hại của dân thì đầu năm vừa rồi chúng tôi đã cử cán bộ đi ghi nhận từng trường hợp cụ thể và đang tham mưu cho lãnh đạo xem xét, giải quyết” - ông Nhân nói.

THÀNH NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm