CÒNG LƯNG CÕNG PHÍ GIAO THÔNG

Thêm gánh nặng cho nông dân miền Tây

Nhiều năm qua, dù giá cả nông sản bấp bênh nhưng nông dân miền Tây Nam Bộ vẫn phải è cổ đóng nhiều loại quỹ, phí. Nay Chính phủ bắt buộc đóng phí sử dụng đường bộ càng làm cho họ chịu nhiều thiệt thòi.

“Đường tôi bỏ tiền ra làm, sao giờ phải đóng phí?”

Nông dân Nguyễn Văn Minh ở huyện Châu Thành (Bến Tre) kêu trời: “Nhà tôi đông người, có tới bốn xe máy. Với mức thu 150.000 đồng/năm đối với xe máy từ 100 phân khối trở lên tính ra mỗi năm gia đình tôi phải tốn thêm 600.000 đồng để… được chạy xe. Tiền đâu tôi đóng?”.

Theo ông Minh, khi mua xe người dân đã đóng góp nhiều khoản tiền để xe được lưu thông rồi còn phải đóng thêm phí xăng dầu trên mỗi lít xăng, nay thêm phí sử dụng đường bộ nữa thì thật quá sức. “Tôi nói thu vậy là bất công vì nông dân chúng tôi ít khi chạy xe ra thành thị để gây ùn tắc giao thông. Phần lớn là chúng tôi chạy xe để đi làm vườn, làm ruộng, chở hàng hóa nông sản ra chợ bán, đi đám tiệc ở địa phương. Nói chung, nhà nông chỉ thường xuyên cho xe lưu thông trên những con đường giao thông nông thôn mà những con đường này thì hầu hết do chúng tôi bỏ tiền của, ngày công lao động để xây dựng. Vậy hóa ra chúng tôi phải đóng phí để được chạy xe ngay trên những con đường do chúng tôi bỏ tiền làm hay sao?” - ông Minh bức xúc nói.

Tương tự, tại tỉnh Đồng Tháp, nơi đang có gần 2.000 km đường giao thông nông thôn, nhiều người dân cũng bất bình với việc phải nộp phí khi đi trên các con đường do họ làm.

Ông Nguyễn Văn Mách ở huyện Lai Vung cho rằng Bộ GTVT đã có cách thu cào bằng, không hợp lý vì năm thì mười họa nông dân mới chạy xe ra các đô thị nên không thể nói đây là đối tượng thường xuyên gây kẹt xe, ùn tắc giao thông để phải nộp phí. “Nếu tách riêng thì số tiền 150.000 đồng/xe/năm không lớn. Song đối với nông dân đồng bằng sông Cửu Long thì sẽ là thêm một gánh nặng. Bộ GTVT nói phần lớn số tiền phí thu được sẽ chuyển về cho địa phương duy tu, bảo dưỡng cầu đường nhưng chưa rõ việc này được thực hiện thế nào. Bởi hằng năm người dân chúng tôi vẫn được địa phương “vận động” đóng góp tiền của xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn” - ông Mách lo lắng.

Thêm gánh nặng cho nông dân miền Tây ảnh 1

Đường giao thông nông thôn ở miền Tây phần lớn do dân đóng góp tiền xây dựng. Ảnh: HÙNG ANH

Mấu chốt là sự hợp lý

Lâu nay ở đồng bằng sông Cửu Long nhà nông vẫn vui vẻ đóng góp một số loại phí để xe máy được lưu thông thuận tiện, với điều kiện phí đó phải hợp lý, thuyết phục được người dân. Ở các địa phương như huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), huyện Trần Văn Thời (Cà Mau)… do địa bàn sông rạch chằng chịt nên dù có đường giao thông nông thôn nhưng nhiều người vẫn chịu cảnh đò giang cách trở.

Để khắc phục, nhiều nghiệp chủ đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng những cây cầu treo bắc qua sông rạch. Trước khi triển khai, chủ đầu tư đều tham khảo ý kiến của người dân trong vùng về mức thu phí qua cầu chứ không tự ý áp đặt. Nếu tính mức phí qua cầu 2.000 đồng/lượt/người, xe thì mỗi năm người dân có thể phải đóng khoảng 700.000 đồng/xe, cao hơn mức phí mà Bộ GTVT dự định thu nhưng người dân vẫn đồng thuận.

Ông Trần Văn Chiến ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Từ khi có cây cầu treo nối liền thị trấn Sông Đốc với con đường tỉnh lộ dẫn về Cà Mau người dân tụi tui được hưởng lợi rất nhiều. Do vậy, mức phí qua cầu 2.000 đồng/lượt người, xe là chấp nhận được. Hơn nữa, khi bỏ tiền xây cầu cho mình đi lại thuận tiện thì người ta cũng phải thu phí để bù đắp vốn đầu tư, điều này là hợp lý. Trong khi đó, Bộ GTVT lại bổ đồng mức thu bất kể xe đó chạy trên đường giao thông nông thôn hay đường đô thị thì coi sao đặng”.

Ông NGUYỄN MINH NHỊ (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang):

“Chẳng lẽ kêu dân đi bộ cho yên chuyện”

Trên thực tế, hiện nay xe máy vẫn là phương tiện lưu thông hữu hiệu nhất trong lúc hệ thống đường giao thông của ta quá kém, phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng tình trạng ùn tắc, kẹt xe có phần lỗi của công tác quản lý, quy hoạch giao thông. Số đông người dân đều không chấp nhận tình trạng khi quản không được thì các cơ quan chức năng tìm mọi cách cấm hoặc đặt ra các loại phí để hạn chế.

Riêng đối với nông dân đồng bằng sông Cửu Long, lâu nay xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn để họ vận chuyển hàng hóa, nông sản. Xây dựng giao thông nông thôn để phục vụ việc đi lại của nông dân là trách nhiệm của ngành giao thông và chính quyền nhưng trên thực tế người dân phải tự đóng góp rất nhiều tiền của, công sức để làm đường, bắc cầu. Bây giờ chính quyền còn bắt nông dân phải đóng phí lưu thông thì dễ gây ra tâm lý bất mãn cho người dân.

Theo tôi, Bộ GTVT nên tích cực nỗ lực giải quyết được vấn đề quy hoạch giao thông, tìm cách quản lý phương tiện giao thông một cách hữu hiệu, khoa học chứ không nên nay thu phí này, mai thu phí nọ. Đặt trường hợp đã thu phí mà vẫn ùn tắc, kẹt xe thì chẳng lẽ phải… cấm hết xe cộ lưu thông trên đường để người dân buộc phải đi bộ cho yên chuyện hay sao?

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm