Thành phố Hồ Chí Minh có một vấn nạn đó là nước ngập do mưa và nước ngập do triều cường. Trải qua nhiều năm, nhiều dự án chống ngập đã ra đời, triển khai, tuy vậy người dân vẫn phải hàng ngày đối mặt với ngập lụt.
Hôm qua, trên mạng xã hội dậy sóng với phát biểu này của đại biểu Xuân. Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng lu hoàn toàn có khả năng góp phần chống ngập.
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân
Để tính toán căn cơ cho giải pháp này về khả năng chống ngập, cần tiến hành tính toán chi phí và lợi ích trong việc trang bị lu cho người dân.
Lợi ích
Theo thông tin trên trang Wiki về TP.HCM thì dân số TP hiện là 8.637 triệu người trên diện tích đất là 2.061 km2. Trong đó có 7.087 triệu người sống trong 19 quận nội thành với diện tích tổng cộng là 494,33 km2. Do hiện tượng ngập lụt chỉ xảy ra trong nội thành, hơn nữa lượng mưa tại nội thành cao hơn nên chúng ta cân nhắc tính toán cho nội thành về tính khả thi của đề xuất.
Chúng ta giả sử TP trang bị cho mỗi hộ nội thành một cái lu, bình quân dân số một hộ là bốn người như vậy chúng ta cần 1.772 triệu cái lu. Còn nếu trang bị mội người một cái sẽ là 7.087 cái lu.
Giả sử mỗi người trang bị một cái lu 1m3 khi tổng số nước có thể chứa là 7.087 triệu m3
Như vậy, giả sử mỗi người trang bị một cái lu 1m3 khi tổng số nước có thể chứa là 7.087 triệu m3 còn mỗi nhà một cái lu sẽ chứa được 1.772 triệu m3.
Lượng mưa trung bình TP. HCM hàng năm khoảng 2.000mm/năm, trong khoảng 155 ngày có mưa. Ngày có mưa nhiều khoảng 200mm. Tạm tính là những ngày có thể gây ngập lụt là lượng mưa khoảng 100mm/ngày. Suy ra tổng lượng nước mưa vào quận nội thành ngày mưa 100mm (gọi là mưa nhiều). 41,8 triệu m3.
Nếu mỗi nhà một cái lu 1m3, thì lượng nước chứa 1,772 triệu m3 = 4,24 % tổng lượng nước mưa.
Nếu mỗi người có một cái lu thì tổng lượng nước mưa chứa được khoảng 7.087 triệu m3 chứa bằng 17% lượng nước mưa.
Điều này dễ hiểu là nếu dùng lu chứa nước, thì có khả năng chống ngập được bằng chứng là lượng nước mà các lu này chứa được. Tuy vậy cần có điều kiện nhất định.
6 điều kiện khó khả thi
Thứ nhất: Chi phí mua lu giá thị trường có thể thay đổi tùy thời điểm và chất liệu, tuy vậy ta là tròn chi phí là một triệu đồng thì khi trang bị mỗi người môt cái lu chi phí sẽ là 7.087 tỷ đồng. Còn trang bị mỗi hộ một cái lu thì chi phí sẽ là 1.772 tỷ đồng. Một con số khá lớn vào thời điểm hiện tại.
Thứ hai: Diện tích và vị trí đặt lu. Ngoài việc trang bị lu, còn cần vị trí đặt lu. Rõ ràng các gia đình nội thành có nhà rất chật chội nên đặt trong nhà là không khả thi. Nếu đặt tại các vỉa hè sẽ bị chiếm dụng lề đường vì vậy cần quy hoạch khu vực đặt lu chung và diện tích đáy lu chiếm là 1m2 thì diện tích đất cần đặt lu sẽ là 7.087 ha, giả sử giá tiền đất để đặt 10 triệu đồng 1m2 thì chi phí đất đặt lu là khoảng 7.087 nghìn tỉ đồng.
Thứ ba: Để hứng được nước mưa cần có hệ thống mái che hứng và gom nước mưa. Tùy theo thiết kế chi tiết nhưng chi phí này cũng không thể nhỏ được.
Thứ tư: Cách sử dụng, khi không có mưa người dân phải được huấn luyện để đổ nước mưa ra, khi mưa phải mang lu ra hứng nước điều này dẫn đến chi phí vận hành cần nhân sự để làm việc này.
Thứ năm: Đảm bảo tính công bằng đặc biệt những hộ gia đình sống trên chung cư, những hộ sống trong hẻm nhỏ hay những hộ có nhà mái ngói biệt thự…, đều phải được trang bị và vận hành đầy đủ.
Thứ sáu: Để đảm bảo người dân được trang bị lu sử dụng đúng mục đích, phải cần hệ thống vận hành và giám sát. Việc này đòi hỏi tuyển dụng và bổ nhiệm một hệ thống cán bộ với biên chế nhà nước lại tiếp tục phình to.
Như vậy chi phí tính ra cao hơn rất nhiều lần lợi ích mang lại, cách sử dụng cũng không dễ nên việc sử dụng lu để hứng nước mưa chống ngập là rất khó khả thi. Tuy nhiên rõ ràng việc chống ngập đang rất cấp thiết vì diện tích ngập đang tăng cao và chiều sâu cũng không dừng lại.
Trong một xã hội mở và phát triển, trước một ý kiến góp ý hoặc đề xuất, chúng ta cần lắng nghe và quan sát hơn là ngay lập tức chỉ trích.