Ngày 5-10, tại TP Cần Thơ, Cục Thủy sản, Hiệp hội cá tra Việt Nam và Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức hội thảo Hợp tác công tư trong chế biến thủy sản – Kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, ngành hàng cá tra đang là ngành chủ lực của khu vực ĐBSCL. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt trên 140 thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2,44 tỉ USD. Vì là ngành chủ lực nên ưu tiên phát triển bền vững trong thời gian tới…
Cục trưởng mong rằng, ngành hàng sẽ nhận được sự quan tâm, tăng cường đầu tư cả về chất và lượng của các bên liên quan.
Theo ông Luân, dưới góc độ của hợp tác công tư (PPP) thủy sản, việc khởi động các nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, thách thức, phân tích điểm mạnh, yếu khi ngành hàng cá tra định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ bước đầu làm cơ sở đưa ra những giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong chuỗi, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
TS Phạm Thị Thu Hồng – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng nghề nuôi cá tra thâm canh, chế biến và xuất khẩu ở ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, nếu phát triển như hiện nay chỉ chú trọng phát triển về diện tích và năng suất nuôi để thu lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ là cản trở lớn nhất cho việc phát triển nghề nuôi và xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo TS Hồng, trước những tiềm năng và thách thức của ngành, có thể nhận định trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam. Vì vậy, để ngành cá tra phát triển bền vững cũng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là phải nghiên cứu đưa ra các giải pháp hợp lý, có tính thực tiễn cao để xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình nuôi và chế biến cá tra.